Nguy cơ mất thị trường vì không đủ hàng xuất khẩu

3 năm trước 193
Nguy cơ mất thị trường vì không đủ hàng xuất khẩu - Ảnh 1.

Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre (BEINCO) phải chi khoảng 2 tỉ đồng cho việc hoạt động tại chỗ trong các đợt dịch COVID-19 bùng phát vừa qua - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Không còn giãn cách xã hội nghiêm ngặt, doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn phục hồi, nhưng không hề dễ dàng bởi có quá nhiều rào cản cần phải tiếp tục tháo gỡ. 

Gãy đơn hàng vì… “3 tại chỗ”

Từ nay đến cuối năm, mỗi tháng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) xuất khẩu khoảng 20.000-25.000 tấn gạo theo các hợp đồng đã ký trước đó. Tuy nhiên, công ty đang gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện hợp đồng vì chi phí tăng để thực hiện “3 tại chỗ", trong khi cước vận tải tăng chóng mặt.

Ông Trần Vũ Đình Thi - phó tổng giám đốc Angimex - ví von các doanh nghiệp xuất khẩu đang “tứ bề thọ địch”. Hiện tại một số nhà máy của Angimex vẫn thực hiện mô hình “3 tại chỗ” nên các loại chi phí tăng mạnh từ 10-15% (trên 1 tỉ đồng/tháng). Giá cước vận chuyển hay thùng container quá cao nên phải “bấm bụng” giao cho khách hàng. Một số khác thông cảm thì không sao, còn không thì doanh nghiệp giao hàng chắc chắn sẽ lỗ. 

Ông Đỗ Lập Nghiệp - phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt - cho biết hiện tại đơn vị hoạt động song song hai mô hình “3 tại chỗ” và “4 xanh”, với số lượng công nhân đạt khoảng 70% (gần 4.000 người). Từ nay đến cuối năm còn trên 15.000 tấn cá tra các loại phải giao cho các nước. Nếu dịch bệnh trong nước, đặc biệt là An Giang ổn định, đơn vị sẽ giao kịp cho đối tác, còn không, sẽ chậm tiến độ.

“Đề nghị chính quyền tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động nhiều mô hình cùng lúc như: “3 tại chỗ”, “4 xanh” và “một cung đường hai điểm đến”, để doanh nghiệp có được nhiều công nhân hoạt động. Hiện tại mô hình “3 tại chỗ” đã đội chi phí sản xuất trên 20% rồi. Mô hình “3 tại chỗ” chỉ là dự phòng, chứ áp dụng thì doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn” - ông Nghiệp nói.

Đối với mặt hàng trái cây, nhiều doanh nghiệp cũng đang đau đầu tìm kiếm nguồn hàng đảm bảo để cung cấp cho nhu cầu của khách hàng đang tăng cao vào dịp cuối năm.

Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết, do các biện pháp giãn cách ở các địa phương thời gian qua, năng lực mua gom và xuất khẩu trái cây của công ty chỉ đạt 50% so với bình thường. Những quy định giới hạn thời gian hoạt động chỉ cho hoạt động từ 6h đến 18h, thực hiện 3 tại chỗ đã làm khó cho kinh doanh trái cây.

“Vì để đảm bảo chất lượng và vận chuyển, sơ chế đóng gói, nhiều mặt hàng phải thu hoạch từ 3h, đến 6h về tới công ty đưa vào sơ chế mới đảm bảo trời mát không ảnh hưởng chất lượng, và có hàng cho công nhân sơ chế làm tới khuya để đóng công hàng ra cảng", ông Tùng cho biết. 

Nguy cơ mất thị trường

Theo các doanh nghiệp, các biện pháp phòng chống dịch thời gian qua đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm khó doanh nghiệp, dẫn đến nguy cơ thua lỗ và nghiêm trọng hơn là mất thị trường khi người mua chuyển sang mua hàng từ các quốc gia khác.

Nguy cơ mất thị trường vì không đủ hàng xuất khẩu - Ảnh 2.

Lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo xuất khẩu tại An Giang khẳng định nguồn cung dồi dào nhưng chậm giao hàng do thiếu container đóng thùng - Ảnh: BỬU ĐẤU

Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành kế hoạch “phục hồi sản xuất kinh doanh cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn”. Trong giai đoạn 1 (từ 1 đến 31-10), cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ” phải là đối tượng sản xuất, dịch vụ hàng hóa thiết yếu. Nếu được chính quyền cho phép hoạt động “3 tại chỗ” thì định kỳ 7 ngày phải xét nghiệm PCR toàn thể người lao động, 3 ngày phải test đối với người có tiếp xúc nhận hàng hóa từ bên ngoài.

Doanh nghiệp chỉ được bố trí công nhân đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin COVID-19 (hơn 14 ngày), trước khi vào nhà máy phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19. Trong giai đoạn 2, đối tượng công nhân lao động phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19 và doanh nghiệp chuyển đổi từ "3 tại chỗ" sang phương thức chống dịch khác…

“Nếu theo kế hoạch này thì quá sức đối với chúng tôi, chắc chắn phải đóng cửa, vì thời gian qua chúng tôi đã gắng gượng lắm rồi”, chủ một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, do thực hiện "3 tại chỗ", tinh thần của công nhân đi xuống thấy rõ, năng suất giảm. Tình hình dịch bệnh làm người dân rất hoang mang, cùng với giá vật tư đầu vào tăng cao, nông dân không dám đầu tư vụ mới. Nếu tiếp tục kéo dài thì sắp tới sẽ thiếu hàng chất lượng cao để xuất khẩu.

“Chúng tôi đang lo không đủ hàng cung cấp cho đối tác thì người mua sẽ chuyển sang Thái Lan, Mexico để mua. Khi đã chuyển qua thị trường khác rồi thì sẽ cắt giảm thị phần của mình, mình ổn định trở lại cũng sẽ khó bán”, ông Tùng cho biết. 

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thời gian vừa qua khi các tỉnh/thành phố thực hiện giãn cách để phòng chống dịch theo chỉ thị 16, đến 70% nhà máy chế biến thủy sản phải ngừng sản xuất suốt 2 tháng qua. Chỉ khoảng 30% nhà máy sản xuất cầm chừng theo phương thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 điểm đến”. 

Ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký VASEP, cho biết, các doanh nghiệp không sắp xếp được chỗ ở cho người lao động trong quá trình thực hiện phương thức sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 điểm đến”; doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động do các tỉnh, thành phố thực hiện biện pháp giãn cách xã hội khiến người lao động không thể đi làm; và bị thiếu hụt nguyên liệu, nguyên vật liệu phụ trợ trong chuỗi cung ứng sản xuất xuất khẩu do quá trình vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn khi di chuyển liên tỉnh.

“Những điều này khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, bị mất khách hàng do không cung cấp đủ đơn đặt hàng cho khách hàng”, ông Nam cho biết.

Nguy cơ mất thị trường vì không đủ hàng xuất khẩu - Ảnh 3.
Chịu thuế 7,74 USD một ký, cá tra nguy cơ mất thị trường MỹChịu thuế 7,74 USD một ký, cá tra nguy cơ mất thị trường Mỹ

TTO - Hai bị đơn từ Việt Nam sẽ chịu thuế chống bán phá giá 7,74 USD một kg cá tra khi bán vào Mỹ, các công ty khác chịu 3,78 USD, "tương đương giá bán".

Nguồn bài viết