Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Malaysia ở Putrajaya, Malaysia, ngày 15-12 - Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ sẽ tìm kiếm những cách thức mới để tăng cường sức ép lên Myanmar.
Khi được hỏi về khả năng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt, ông Blinken cho biết "những tuần và tháng sắp tới rất quan trọng để xem xét các biện pháp bổ sung nhằm gây áp lực đưa đất nước Myanmar quay trở lại quỹ đạo dân chủ".
Ông Blinken nói thêm rằng Mỹ vẫn cam kết ủng hộ kế hoạch đồng thuận 5 điểm của ASEAN.
Tuy nhiên, ông Blinken không đưa ra câu trả lời rõ ràng về việc liệu Thống tướng Min Aung Hlaing có được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh dự kiến giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với Tổng thống Joe Biden vào năm tới hay không.
Tháng 10 vừa qua, trong một động thái chưa từng có tiền lệ, các ngoại trưởng của ASEAN đã quyết định không mời Thống tướng Min Aung Hlaing tham gia hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra vào cuối tháng, vì sự chậm trễ trong khôi phục ổn định tại Myanmar.
Phát biểu trong cuộc họp báo cùng ông Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết ASEAN cần tìm ra một giải pháp lâu dài cho tình hình ở Myanmar.
Ông Saifuddin cho biết mặc dù ASEAN tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên, nhưng vẫn có trách nhiệm "xem xét nguyên tắc không thờ ơ".
Theo báo SCMP, hiện các nước ASEAN tránh thể hiện sự công nhận chính thức đối với chính quyền quân sự Myanmar nhưng lập trường này có thể thay đổi vào năm tới, khi vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN sẽ do Thủ tướng Campuchia Hun Sen đảm nhận.
Trong thời gian gần đây, nhà lãnh đạo Campuchia gợi ý rằng ông thích can dự vào hơn là cô lập Myanmar và kỳ vọng hòa giải cuộc khủng hoảng.
"ASEAN không thể được gọi là ASEAN nếu chỉ có 9 thành viên", ông Hun Sen nói.
Trong khi đó, xung đột vẫn diễn ra tại Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính hồi tháng 2.