Nghịch lý thất nghiệp nhưng ít chọn học nghề

3 năm trước 333

Hầu hết học làm... bánh ngọt

Tại trường Trung cấp nghề giao thông công chính Hà Nội, nghề lái xe thu hút khá đông người học. Ông Nguyễn Thành Long, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội cho biết: Năm 2019, trường đào tạo 122 học viên là người thất nghiệp học nghề; năm 2020 đào tạo 84 học viên. Trong các nghề của trường, người thất nghiệp chủ yếu đăng ký học lái xe. Người học được hỗ trợ 1 triệu đồng/1 tháng, học trong 3 tháng; số tiền này không đủ chi phí theo mức học phí nhà trường nên phần còn lại người học sẽ phải đóng thêm (tùy theo loại bằng lái xe người học chọn).

Chú thích ảnhHọc viện tham gia lớp làm bánh ngọt tại trường Trung cấp nghề du lịch Hà Nội.

Anh Lý Hoàng, chọn học lái xe khi thất nghiệp chia sẻ: “Theo quy định hiện hành, khi nhận trợ cấp thất nghiệp, mỗi tháng học nghề là 1 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mới thất nghiệp hơn 1 tháng thì tôi tìm được việc làm mới nên chỉ được hỗ trợ 1 tháng; số tiền còn lại 2 tháng (tương đương 2 triệu đồng) tôi phải tự bỏ ra, lại thêm thủ tục giấy tờ hành chính nên tôi tự đóng nốt để học”.

“Những năm trước, nhà trường cũng đã gặp phải một số trường hợp học viên thất nghiệp được hơn 1 tháng đã có việc làm nhưng không báo. Thủ tục thông báo từ đơn vị xét duyệt chậm nên người học đã lấy bằng ra trường nên nhà trường tự bỏ kinh phí của trường ra bù. Hiện thủ tục hành chính để xét duyệt cho người học nghề khi thất nghiệp đã nhanh hơn trước nhưng thời đại công nghệ 4.0, cơ quan quản lý và đơn vị được phân bổ đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp sớm có chung hệ thống mạng dữ liệu, kết nối mà chỉ cần thay đổi từ phía lao động là có thể cập nhật để cập nhật nhanh sự thay đổi từ phía lao động, nhất là biến động về nhân lực thị trường luôn thay đổi”, ông Nguyễn Thành Long đề xuất.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, trong khoảng 2 năm gần đây, trường phối hợp với doanh nghiệp mở rất nhiều lớp đào tạo ngắn ngày theo từng chuyên ngành kỹ năng sâu. Trong số này khá nhiều người thất nghiệp, chuyển nghề mới nhưng do doanh nghiệp hoặc tự người lao động bỏ kinh phí ra để học. Trường cũng rất muốn đào tạo nghề cho người thất nghiệp nhưng trở ngại nhất là thủ tục hành chính, thanh quyết toán.

Trong khi đó, ông Trương Tường Lân, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề du lịch Hà Nội cho biết: “Trường có đào tạo 4 nghề dành cho người thất nghiệp là làm bánh ngọt, lễ tân, buồng khách sạn, nhà hàng. Năm 2020, trường được phân bổ hơn 300 học viên là người thất nghiệp học nghề thì hơn 280 học viên chọn nghề làm bánh ngọt”.

“Theo khảo sát, lý do đa số học viên chọn nghề làm bánh ngọt để có thể mở cửa hàng hoặc tự làm bánh ở nhà phục vụ gia đình. Còn những nghề khác ít theo học dù nhu cầu lớn bởi kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp thấp, chỉ 1 triệu đồng/tháng. Nếu học đủ 3 tháng là 3 triệu đồng; trong khi 1 lớp học nghề bánh đúng quy chuẩn kinh phí tận 11 triệu đồng”, ông Trương Tường Lân chia sẻ.

Linh động hơn trong đào tạo

“Tôi từng đề xuất sử dụng thẻ học nghề để đào tạo lại nghề cho lao động. Theo đó, những người thất nghiệp được cấp thẻ học nghề khi thất nghiệp và họ có thể đến bất kỳ cơ sở đào tạo nghề nào phù hợp với nhu cầu của họ để học nghề. Như vậy sẽ thuận lợi hơn cho lao động”, ông Phạm Tiến Dũng cho biết.

Chú thích ảnhHọc viên học lái xe tại Trường trung cấp nghề giao thông công chính Hà Nội.

Còn ông Nguyễn Thành Long cho biết: “Để tạo thuận lợi cho người học nghề đúng với nhu cầu họ cần có thể sử dụng thẻ học nghề như với bộ đội xuất ngũ. Trong năm qua, trường đào tạo cho 52 học viên là bộ đội xuất ngũ bằng thẻ học nghề rất tiện lợi. Còn kiểm soát việc thất thoát, lợi dụng thẻ học nghề để rút tiền ngân sách có thể kiểm soát qua việc hậu kiểm, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin để xác định việc học thật, thi thật”.

Trong khi đó, ông Phạm Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long cho rằng: Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều người lao động bị mất việc làm, số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng lên. Theo tính toán, nhóm đối tượng này sẽ có nhu cầu học nghề ngắn hạn để chuyển đổi nghề nghiệp và nhà trường sẽ rộng mở cơ hội tuyển sinh. Thế nhưng, trên thực tế, thị trường lao động không có nhiều cơ hội việc làm, khiến người lao động không định hướng được nên học nghề gì cho phù hợp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyển sinh của nhà trường.

Do đó, các trường đề nghị có hệ thống dữ liệu và kết nối sàn việc làm, đơn vị xử lý bảo hiểm thất nghiệp và các trường nghề để vừa định hướng, vừa giải quyết thủ tục hành chính, vừa kiểm soát học nghề tránh thất thoát.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban thực hiện Chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH), một trong lý do lao động thất nghiệp chỉ hưởng trợ cấp nhưng ít lựa chọn học nghề bởi các nghề giới thiệu cho người học chủ yếu là trình độ sơ cấp, muốn chuyển đổi nghề nâng cao cần kinh phí đào tạo nhiều hơn; danh mục nghề chưa đáp ứng nhu cầu người học. Bên cạnh đó là thủ tục hành chính dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa theo kịp với yêu cầu.

Theo thống kê, năm 2020, toàn quốc đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 1 triệu người với số tiền chi trả hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ 2019…

Theo thống kê từ Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), số người thất nghiệp lựa chọn học nghề thấp, chỉ chiếm khoảng 1% số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đa số lựa chọn một số nghề trình độ sơ cấp như nấu ăn, pha chế đồ uống, sửa chữa xe máy… Do đó, để tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho nhóm lao động đặc thù này, Cục Việc làm đang nghiên cứu để đề xuất các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan theo hướng nâng mức hỗ trợ học nghề cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp; xây dựng danh mục nghề nghiệp, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nguyện vọng của người lao động.

Nguồn bài viết