Nghị sĩ Nga đề xuất thành lập 'Cơ quan chống cô đơn'

2 năm trước 134
Nghị sĩ Nga đề xuất thành lập Cơ quan chống cô đơn - Ảnh 1.

Đã đến lúc Nga cần một tổ chức mới để hỗ trợ tâm lý người dân - Ảnh: AZERBAYCAN24

Mô tả kế hoạch của mình với Hãng tin RIA Novosti, ông Leonov lưu ý rằng cảm giác cô đơn - khá phổ biến ở những người sống ở các thành phố lớn - đang gây ra chứng trầm cảm, mất ngủ và rối loạn tâm thần. "Vì vậy, trợ giúp tâm lý nên được tiếp cận cho tất cả mọi người," ông Leonov khẳng định.

Theo Đài Russia Today (RT), các nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Nga và Trường trung học Kinh tế (HSE) đã phát hiện 43% người phải chịu đựng sự cô đơn sau khi khảo sát 10.000 người Nga trên 14 tuổi.

Khi được hỏi mức độ thường xuyên cảm thấy cô đơn, 12% trong số họ trả lời "hầu như luôn luôn" hoặc "thường xuyên".

Theo một cuộc điều tra khác của HSE, cứ 10 phụ nữ Nga thì có một người cô đơn, hầu hết trong số họ là góa phụ hoặc đã ly hôn. Ở nam giới, tỉ lệ này nhỏ hơn đáng kể (4,7%).

Đối với lứa tuổi thanh niên, 1/3 số người được hỏi ở độ tuổi 14-29 thừa nhận cảm thấy cô đơn, trong khi 6,5% trong số họ cô đơn "thường xuyên" hoặc "hầu như luôn luôn". Đáng chú ý, có nhiều thanh niên cô đơn ở các thành phố lớn hơn ở nông thôn.

Điều này có vẻ lạ, vì ở các thành phố lớn thanh niên có nhiều cơ hội và khả năng tương tác hơn.

Tuy nhiên, các nhà khoa học từ lâu đã nhận thấy ở các thành phố lớn, mọi người có xu hướng sống ẩn trong thế giới nội tâm của mình giữa một đám đông.

Ngoài ra, cấu trúc xã hội của một thành phố lớn được chia thành nhiều nhóm hơn là xã hội trong các cộng đồng nhỏ.

Nhà tâm lý học Guli Bazarova, giám đốc Trường Tâm lý thực hành Matxcơva, nói rằng sự phân tầng xã hội ở một thành phố lớn không phải vì tiền.

Bà Bazarova lưu ý rằng mức độ cô đơn cao ở những người trẻ tuổi có thể liên quan đến việc bị bắt nạt. Bà cho rằng khoảng 70% trẻ em đi học phải đối mặt với vấn đề này.

Ở các thành phố lớn, mọi người mất kết nối hơn, cha mẹ bận rộn kiếm tiền, giáo viên có quá nhiều học sinh, vì vậy trẻ em thường bị bỏ mặc với các vấn đề của chúng.

Một nghiên cứu được Viện Dư luận Nga thực hiện vào tháng 3 năm nay cho thấy 78% người được hỏi đã trải qua những vấn đề khó chịu đựng mà không có sự hỗ trợ của người khác. Tuy nhiên, chỉ có 9% người cô đơn tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm thần.

Theo ông Sergey Leonov, việc thành lập một "Cơ quan chống cô đơn" nhằm mục đích thể chế hóa các nỗ lực chống lại một hiện tượng toàn cầu lớn.

Vào tháng 5-2022, Hiệp hội Tâm lý học Mỹ đã công bố một nghiên cứu cho biết các yếu tố liên quan đến đại dịch như phong tỏa, làm việc và học tập từ xa, đã làm trầm trọng thêm vấn đề cô đơn trên khắp thế giới.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2021, khoảng 33% người trưởng thành trên toàn thế giới từng trải qua cảm giác cô đơn.

Anh là quốc gia đầu tiên bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Cô đơn vào năm 2018. Một nghiên cứu cho biết có tới 1/5 tổng số người trưởng thành ở Anh cảm thấy cô đơn.

Năm 2021, Nhật cũng đã thành lập Bộ Cô đơn do ông Tetsushi Sakamoto làm bộ trưởng.

Báo Rossiyskaya Gazeta của Nga hỏi ông Sakamoto rằng liệu có thể đếm tất cả những người đang chịu đựng sự cô đơn để đánh giá quy mô thực sự của vấn đề hay không? Ông Sakamoto trả lời: "Hầu như không thể đếm được số người cô đơn".

Tin nhắn vào điện thoại - thuốc trị Tin nhắn vào điện thoại - thuốc trị 'đại dịch cô đơn' ở Nhật Bản

TTO - Tổ chức phi lợi nhuận Enrich ra mắt dịch vụ miễn phí dành cho người trưởng thành thông qua mạng xã hội Line ở Nhật Bản. Dịch vụ này gửi tin nhắn định kỳ đến điện thoại của người dùng để xác nhận sự an toàn của họ.

Nguồn bài viết