Nghèo khó, bệnh tật có ngăn bước Hồng Lê?

2 năm trước 162
Nghèo khó, bệnh tật có ngăn bước Hồng Lê? - Ảnh 1.

Hồng Lê chăm mẹ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh - Ảnh: TRẦN MAI

Kết thúc buổi họp mặt, ông Nguyễn Thanh Tâm - chủ tịch Hội khuyến học xã, vốn nổi tiếng trong "giới khuyến học" ở Quảng Ngãi - dẫn Lê xuống gặp và tha thiết: "Mong báo Tuổi Trẻ tiếp sức cháu Lê, trường hợp này không được giúp chắc chắn sẽ nghỉ học".

Cả nhà bệnh tật

Lê có nước da đen nhẻm và ánh mắt lúc nào cũng rịu buồn. Cả buổi trò chuyện, Lê chỉ ngước nhìn chiếc đồng hồ treo tường, vẻ sốt ruột. "Em phải về cho heo ăn, còn xuống bệnh viện với mẹ" - Lê phân trần. Bà Bùi Thị Ngọc (59 tuổi) - mẹ Lê - vừa được hàng xóm đưa đi cấp cứu vì căn bệnh tim làm mệt trưa hôm trước, đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh.

Về tới căn nhà chắp vá ở xóm nghèo nằm khuất dưới chân núi Nhàn, Lê vội vã ra phía sau cho heo ăn. Đã quá thuần thục, việc thái rau, trộn cám, dọn chuồng và cho heo ăn Lê làm chưa đến 10 phút. Thay bộ quần áo học trò, bạn vội vã vào bệnh viện với mẹ. Bà Ngọc đang ôm đầu, khuôn mặt nhăn nhó: "Gọi bác sĩ đi con, mẹ mệt quá". Cũng đã quá quen với hình ảnh ấy, Lê đi gọi và chừng hơn phút sau, y tá đến kiểm tra, bà Ngọc ngước mặt hớp vội vài viên thuốc rồi nằm bệt xuống giường ôm đầu.

Hết đứng lại ngồi, Lê chẳng biết phải làm gì ngoài bóp đầu và chân tay cho mẹ. Bà Ngọc phát hiện bị bệnh tim từ khi Lê ra đời. Lúc Lê 2 tuổi, bà từng được mổ tim. Ba năm sau đó, bà có khỏe hơn, làm được việc đồng áng. Cho đến khi Lê vào mẫu giáo, bà đau trở lại và chuỗi ngày Lê đi viện cùng mẹ cũng từ đó. Bà tái khám ở Bệnh viện Trung ương Huế 1 mỗi tháng nếu ổn, còn không có khi phải gặp bác sĩ mỗi tuần. "Tiền xe, tiền thuốc quá sức với gia đình mà tôi cũng chẳng làm được gì", bà Ngọc thều thào.

Nguồn sống cả nhà trông chờ vào nghề thợ hồ của cha - ông Nguyễn Công Thành (58 tuổi). Mà cha cũng gầy trơ, ông lao lực vì gắng sức quá nhiều, bữa làm bữa nghỉ vì sức khỏe lao dốc. Ông kể nghe con thi tổ hợp văn - sử - địa được 26,5 điểm rất mừng nhưng lòng ông lại đau vì tiền ông kiếm được chỉ đủ trang trải cơm áo, thuốc thang mỗi ngày.

Nghe con vào đại học, ông nghĩ đủ cách mà chưa biết tiền đâu cho con học xa nhà. Những nơi có thể ông đều đã mượn trong hành trình giữ lại mạng sống cho vợ. Cách đây hainăm, bà Ngọc từng mổ tim lần 2 ngốn số tiền lớn nhưng bệnh tình có vẻ nặng hơn. Ông đi làm mà phập phồng, lỡ vợ lên cơn đau không có ai đưa vào bệnh viện kịp. Ông Thành nước mắt chực trào: "Vợ chồng tôi có lỗi với con, ba xin lỗi con".

Quyết tâm nhưng mờ mịt

Cũng vì nghèo khó mà hai anh trai của Lê từng phải cắt đứt ước mơ con chữ. Giờ người thợ hồ, người bám ruộng. "Điểm của Lê có thể vào nhiều trường top, sao chỉ nộp duy nhất vào Trường ĐH Phạm Văn Đồng?", tôi hỏi. Im lặng hồi lâu, Lê nói: "Ba mẹ làm gì có tiền cho em học xa, với đi xa rồi ai chăm mẹ nên em phải nộp ở trường tỉnh".

Tôi buột miệng hỏi sao Lê không nỗ lực vì cũng có nhiều việc làm thêm để tự học được. Nhưng câu hỏi ấy đã vô tình chạm vào "phòng tuyến" cuối cùng của bạn. "Em bị hen suyễn nặng, làm việc một lúc thở không nổi. Đi nắng còn mệt thì sức đâu làm thêm", Lê trải lòng.

Hoàn cảnh như trớ trêu muốn chặn đứng mọi ngả đường đi về phía tương lai. Cô gái quyết tâm, từng thử sức vài công việc làm thêm để rèn sức khỏe cho mình. Nhưng đó là sai lầm, cô phải đi cấp cứu, gây thêm gánh nặng cho gia đình. Sau vài lần, Lê không dám mạo hiểm nữa.

Lúc bé, Lê từng ước mơ làm luật sư, lớn lên cô muốn học ngành công tác xã hội của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) với mong muốn làm công việc giúp đỡ người yếu thế. Với số điểm 26,5 (khối C) việc chạm đến các ngành học ấy không phải quá xa nhưng hoàn cảnh hiện tại, Lê khó lòng thỏa ước mơ.

Lê sẽ theo ngành sư phạm tiểu học Trường ĐH Phạm Văn Đồng. Với Lê, đó chắc chắn là lựa chọn phù hợp hoàn cảnh lúc này. Nên cô gái vẫn né tránh khi ai đó hỏi về ước mơ. Bởi ước mơ tận Sài Gòn, còn hiện thực mãi ở lại Quảng Ngãi vì như Lê nói học được đại học là mừng lắm rồi. Nói vậy nhưng cả cha mẹ và Lê lúc này đều không thể trả lời được liệu có đủ sức trụ lại giảng đường bốn năm tới hay không...

Tha thiết mong Lê được tiếp sức

Hôm nhận học bổng xã dành cho tân sinh viên, Lê gặp nhiều người và ai cũng rõ hoàn cảnh của bạn nhưng chẳng ai nghĩ ra cách nào giúp em lâu dài. Giúp cho mình Lê lại có lỗi với các bạn khác, nên cũng chỉ động viên và hứa "Có học bổng nào sẽ nhớ Lê đầu tiên". Ở đất học Sơn Tịnh, học trò nghèo học giỏi khá nhiều, hội khuyến học huyện và các xã xin được đồng nào sẽ "chia đều" cho tất cả.

Ông Nguyễn Thanh Tâm kể vừa "ăn xin" được hơn 17 triệu đồng cho một tân sinh viên học cao đẳng có cha mẹ bị ung thư. Với Lê, ông "cạn nguồn" nên tha thiết mong học bổng Tiếp sức đến trường giúp Lê vào giảng đường. "Nếu có nhà hảo tâm nào giúp bạn sinh hoạt phí thì tốt quá vì tình cảnh hiện tại của gia đình, bệnh hen suyễn của Lê, nếu không được học, đời sẽ càng khổ hơn" - ông Tâm nói.

Chuyện chàng kỹ sư 2 lần được Chuyện chàng kỹ sư 2 lần được 'tiếp sức'

TTO - Thay vì cầm học bổng vào Đà Nẵng nhập học, Nguyễn Duy Hiền (một trong 87 sinh viên Thừa Thiên Huế nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2013) đã nhường khoản tiền này cho hai anh trai khi ấy đang học đại học mà chưa xoay đâu ra học phí.

Nguồn bài viết