Nghiên cứu phương pháp xác định khả năng miễn dịch với COVID

2 năm trước 232
Chú thích ảnhNhân viên sắp xếp bộ xét nghiệm COVID-19 tại Draper, Utah, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng lượng kháng thể sinh ra từ một trong hai yếu tố này sẽ mất dần theo thời gian. Những người suy giảm miễn dịch có thể không đáp ứng đầy đủ với vaccine và có thể dễ nhiễm bệnh, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 rất dễ lây lan. Khi quy định đeo khẩu trang được dỡ bỏ và cuộc sống bình thường mới được nối lại, một phương pháp xét nghiệm để xác định khả năng miễn dịch được cho là có ý nghĩa quan trọng giúp đánh giá rủi ro của từng cá nhân. 

Theo CNN, một trong các đánh giá khả năng miễn dịch là xét nghiệm máu để đo mức độ kháng thể trong cơ thể mỗi người. Số liệu cập nhật của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ thu được từ những người hiến máu cho thấy tính đến tháng 12/2021, khoảng 95% công dân nước này từ 16 tuổi trở lên có kháng thể ngừa COVID-19. Tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho rằng xét nghiệm tìm kháng thể không liên quan đến việc tính toán khả năng miễn dịch với COVID-19. Nhà virus học Mehul Suthar tại Trung tâm vaccine Emory thuộc Đại học Emory cũng nhận định không có mối tương quan như trên.

Trong khi một nghiên cứu về vaccine của hãng Moderna chỉ ra rằng những người tiêm vaccine này có lượng kháng thể cao hơn sau tiêm phòng và có nguy cơ mắc COVID-19 thấp hơn, các chuyên gia nhấn mạnh không phải tất cả các kháng thể sản sinh ra đều như nhau. Chỉ một lượng nhỏ kháng thể được coi là “kháng thể trung hòa” có khả năng ngăn ngừa virus SARS-CoV-2. 

Tác giả chính của nghiên cứu trên, Giáo sư Peter Gilbert chuyên về vaccine và các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, cho biết các kháng thể trung hòa là một mối tương quan chặt chẽ để chống lại việc lây nhiễm SARS-CoV-2 và các biến thể của chủng virus này. 

Trong khi đó, CDC trích dẫn một nghiên cứu cho thấy nồng độ kháng thể ở những người đã được tiêm phòng suy giảm nhanh hơn so với ở những người đã mắc COVID-19. Đây là lý do tại sao miễn dịch lai được tạo ra từ cả việc tiêm vaccine và cả sau khi mắc bệnh dường như có hiệu quả lâu dài hơn. Phó Giáo sư miễn dịch học Marion Pepper tại Đại học Washington nêu rõ các nhà khoa học hiểu rằng những người có miễn dịch "lai" có khả năng phòng bệnh tốt hơn. Tuy nhiên, hiện họ vẫn đang nghiên cứu để tìm lời giải về thông số liên quan tới miễn dịch "lai". 

Một số chuyên gia khác lại cho rằng để đo khả năng miễn dịch, xét nghiệm nên liên quan đến việc đánh giá các tế bào T. Nếu virus có khả năng “né” các kháng thể, các tế bào T có thể tạo ra phản ứng bảo vệ mạnh mẽ. Bên cạnh các kháng thể và tế bào T, tế bào B cũng góp phần ngăn ngừa bệnh. Theo Phó giáo sư Pepper, tế bào B ghi nhớ là tế bào có thể được kích hoạt trở lại để tạo ra kháng thể. Nó thường không làm được điều đó trừ khi tế bào T phát tín hiệu yêu cầu. Vì vậy, việc nghiên cứu tế bào T sẽ thực sự quan trọng để hiểu được cơ chế bảo vệ này. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh cho đến nay vẫn khó xác định được nồng độ của các tế bào này do chúng rất phức tạp và cần một thời gian dài để nghiên cứu.

Nguồn bài viết