Nghiên cứu làm sáng tỏ sao lùn trắng có khả năng hủy diệt hệ Mặt Trời

7 tháng trước 59
Chú thích ảnhHai ngôi sao lùn trắng trong quá trình hợp nhất sao. Ảnh minh họa: NASA

Theo bài đăng ngày 9/4 trên tạp chí của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Anh (MNRAS), các nhà khoa học tại Đại học Warwick (Anh) và nhiều đại học khác đã nghiên cứu tác động của các sao lùn trắng - những ngôi sao ở trạng thái đã đốt cháy hết nhiên liệu của chúng - đối với các hệ hành tinh như hệ Mặt Trời. 

Những nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng khi các tiểu hành tinh, Mặt Trăng và các hành tinh tiến gần các sao lùn trắng, lực hấp dẫn khổng lồ của những ngôi sao dày đặc này xé toạc các hành tinh nhỏ đó thành những mảnh ngày càng nhỏ hơn. Các mảnh này tiếp tục va chạm và cuối cùng bị nghiền thành bụi.

Nghiên cứu mới nhận định "sát thủ" sao lùn trắng có thể "giết chết" Trái Đất đã là một phần của hệ Mặt Trời của chúng ta. Khi Mặt Trời "chết" và hóa thành một ngôi sao lùn trắng, nó có thể "nuốt chửng" hoặc "xé nát" Trái Đất. Phần còn lại của hệ Mặt Trời của chúng ta, bao gồm các tiểu hành tinh nằm giữa Sao Hỏa và Sao Mộc, cũng như các mặt trăng của Sao Mộc, cuối cùng cũng có thể chịu kết cục tương tự khi Mặt Trời biến thành sao lùn trắng. Tuy nhiên, ngay cả khi Trái Đất tồn tại lâu hơn Mặt Trời thì hành tinh của chúng ta cũng sẽ không còn phù hợp với sự sống. 

Để tìm hiểu về những gì có thể xảy ra đối với các tiểu hành tinh, Mặt Trăng và hành tinh tiến gần các sao lùn trắng, nhóm nhà nghiên cứu đã điều tra những thay đổi về độ sáng của các ngôi sao trong 17 năm, tập trung vào 3 sao lùn trắng có cách "hành xử" khác nhau gồm ZTF J0328-1219, ZTF J0923+4236 và WD 1145+017. Điều họ phát hiện ra là số phận của những vật thể có thể vô cùng thảm khốc khi tiến gần tới các ngôi sao lùn.

Họ đi đến kết luận này sau khi phân tích sự "biến động" của các tiểu hành tinh, Mặt Trăng và hành tinh - sự giảm độ sáng của các ngôi sao do các vật thể đi qua phía trước chúng gây ra. Không giống như những "biến động" có thể dự đoán trước được do các hành tinh quay quanh các ngôi sao, những "biến động" do các mảnh vụn gây ra có hình dạng kỳ lạ, hỗn loạn và mất trật tự. 

Giáo sư Boris Gaensicke tại Đại học Warwick cho biết thực tế đơn giản nhưng lại đáng ngạc nhiên đó là có thể phát hiện các mảnh vỡ của các tiểu hành tinh, có thể là Mặt Trăng hoặc thậm chí các hành tinh quay quanh một sao lùn trắng cứ sau vài giờ, nhưng nghiên cứu của ông và các cộng sự cho thấy rằng quá trình vận động và va chạm này có thể phát triển nhanh chóng chỉ trong vài năm. Cũng theo Giáo sư Gaensicke, cho dù ông và các cộng sự nghĩ rằng họ đang nghiên cứu đúng hướng, số phận của những hệ thống này phức tạp hơn nhiều so với những gì họ có thể tưởng tượng.

Người đứng đầu nghiên cứu, Tiến sĩ Amornrat Aungwerojwit tại Đại học Naresuan ở Thái Lan cho biết quá trình và kết quả các vụ va chạm trên cung cấp căn cứ giúp các nhà nghiên cứu có thể xác định loại vật liệu tạo ra các hành tinh ban đầu.

Nguồn bài viết