Bác sĩ Đặng Quang Vinh - phó giám đốc Bệnh viện Mỹ Đức, thành viên trong nhóm nghiên cứu - Ảnh: DUYÊN PHAN
Kết quả nghiên cứu do Bệnh viện Mỹ Đức TP.HCM chủ trì, phối hợp cùng Bệnh viện An Sinh, ĐH Y dược TP.HCM, ĐH Monash và Đại học Adelaide (Úc) thực hiện vừa được công bố trên tập san nổi tiếng thế giới The Lancet ngày 23-4.
Đây là nghiên cứu được đánh giá "nổi bật" bởi có thiết kế chặt chẽ (ngẫu nhiên, có nhóm chứng) duy nhất được công bố hiện nay trên thế giới, lần đầu tiên xác định rõ ràng tính hiệu quả của kỹ thuật ICSI (tiêm tinh trùng vào bào tương noãn) và IVF (cấy tinh trùng vào noãn) dựa trên tỉ lệ trẻ sinh sống, điều vốn lâu nay đang gây tranh cãi chưa hồi kết trong giới y học.
Theo bác sĩ Đặng Quang Vinh - phó giám đốc Bệnh viện Mỹ Đức, đại diện nhóm nghiên cứu, đầu tiên quá trình thụ tinh, tạo phôi chỉ nhờ vào kỹ thuật cổ điển là cấy tinh trùng vào noãn. Nhưng kỹ thuật này chỉ có hiệu quả trong trường hợp tinh trùng người chồng bình thường, đó là lý do năm 1990 các nhà khoa học phát kiến thêm kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI).
Trong ICSI, chuyên viên phôi học sẽ sử dụng một loại kim tiêm chuyên dụng đưa tinh trùng vào thẳng bào tương noãn, vượt qua các lớp tế bào xung quanh noãn cũng như màng tế bào của noãn.
Điều này gây ra không ít lo ngại về tính xâm lấn trong ICSI, đặc biệt trong y khoa với nguyên tắc áp dụng là "xâm lấn tối thiểu". Chưa kể ICSI còn là một kỹ thuật đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo cần đầu tư nhiều hơn cho trang thiết bị, đào tạo nhân sự, chuẩn hóa quy trình.
Anh Hoàng Văn Hưng (quê Quảng Bình) may mắn có được bé Hoàng Bảo Lâm, sau bao năm mỏi mòn tìm kiếm bằng phương pháp cấy tinh trùng vào noãn (IVF) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Và để trả lời câu hỏi "liệu tiêm tinh trùng vào bào tương noãn có hiệu quả hơn so với cấy tinh trùng vào noãn?", trong 4 năm (2016 - 2020), nhóm bắt đầu nghiên cứu trên 1.064 cặp vợ chồng được chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm, trong đó người chồng có kết quả tinh dịch đồ bình thường.
Kết quả cho thấy tỉ lệ trẻ sinh sống sau một chu kỳ chuyển phôi tương đương với tỉ lệ trẻ sinh sống ở tất cả các lần chuyển phôi trong 12 tháng khi áp dụng kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn và cấy tinh trùng vào noãn.
Điều này đồng thời giúp giải đáp một câu hỏi lớn của giới chuyên môn ngành hỗ trợ sinh sản thế giới trong nhiều năm qua.
"Nghiên cứu này được đánh giá trên một số lượng bệnh nhân lớn nhất hiện nay và là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới báo cáo tỉ lệ trẻ sinh sống, một yếu tố quan trọng trong đánh giá hiệu quả của thụ tinh trong ống nghiệm", bác sĩ Đặng Quang Vinh nói.
Trước đó, nghiên cứu này đánh giá là "công bố nổi bật" tại Hội nghị thường niên lần thứ 36 của Hội Sinh sản người và phôi học châu Âu năm 2020.
Không nên lạm dụng kỹ thuật ICSI
Theo thống kê, trong hơn hai thập kỷ, số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới được áp dụng kỹ thuật ICSI tăng hơn 70%, trong khi tỉ lệ vô sinh nam (có bất thường tinh trùng) hầu như không thay đổi. Các phân tích sâu hơn cho thấy tỉ lệ này tăng cao nhất ở các cặp vợ chồng hiếm muộn không do nam tăng từ 15,4% lên đến 66,9%.
Điều đáng lo ngại là ICSI đang được gia tăng sử dụng như một kỹ thuật "tiêu chuẩn" để thụ tinh và tạo phôi bởi tin rằng có thể giúp làm tăng tỉ lệ thụ tinh, kéo theo tăng số phôi tạo thành - điều mà trước đây các chỉ định ban đầu chỉ dành cho trường hợp vô sinh do người nam không có tinh trùng hoặc bất thường tinh trùng nặng.
"Nghiên cứu khẳng định kỹ thuật ICSI không tốt hơn IVF, và trong một số trường hợp không cần thiết thì không nên sử dụng kỹ thuật ICSI vì không hiệu quả hơn và cũng không có lợi hơn về sức khỏe sinh sản" - bác sĩ Hồ Mạnh Tường, tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, khuyến cáo.