Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) gặp Tổng thống Uganda Yoweri Museveni ngày 26-7 - Ảnh: Reuters
Có một điều thú vị khi chuyến công du 4 nước của ông Lavrov (từ ngày 24 đến 28-7) trùng thời điểm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đến châu Phi. Điều này vô hình trung đặt các nhà lãnh đạo châu lục trước một phép so sánh về những gì Nga và Pháp đại diện cho phương Tây có thể làm.
Thông điệp của Matxcơva
Trước khi lên đường tới 4 nước Ai Cập, Ethiopia, Uganda và Cộng hòa Congo, Ngoại trưởng Lavrov đã nói rõ ông sẽ dùng chuyến đi để quy trách nhiệm cho phương Tây đã gây ra tình trạng thiếu ngũ cốc và nạn đói tiềm tàng ở các nước châu Phi. Nhà ngoại giao Nga cũng tuyên bố Matxcơva sẽ cho thấy họ là một đồng minh thực thụ, một người bạn sẵn sàng hỗ trợ châu Phi trong lúc khó khăn.
Chuyến đi diễn ra sau khi Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận về đảm bảo xuất khẩu lương thực dưới sự bảo trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Hiệp Quốc. Thỏa thuận là điều mà châu Phi trông chờ nhất suốt mấy tháng qua nhưng những gì họ nghe từ ông Lavrov trên đất châu Phi còn hơn cả mong đợi. Trong chuyên mục quan điểm đăng trên các tờ báo ở 4 nước sẽ dừng chân, ông Lavrov ca ngợi châu Phi vì đã chống lại những gì mà ông gọi là nỗ lực của phương Tây nhằm áp đặt trật tự thế giới đơn cực.
"Chúng tôi đánh giá cao quan điểm của châu Phi đối với vấn đề liên quan Ukraine" - ông Lavrov viết, bày tỏ thông cảm với các nước châu Phi vì đã phải chịu áp lực "chưa từng có" của phương Tây trong việc lên án và trừng phạt Nga. Những bài báo công khai như vậy có lẽ muốn hướng đến cả người dân của châu Phi chứ không chỉ là giới lãnh đạo.
Phần lớn các nước châu Phi giữ quan điểm trung lập về cuộc chiến tại Ukraine do vẫn còn mua lương thực từ cả Ukraine và Nga. Dù vậy, Matxcơva nhìn thấy tiềm năng có thể khiến châu lục này ngả về họ nhiều hơn nếu có thể cung cấp những hàng hóa công mà châu Phi cần. Đó là phân bón và lương thực, hai thứ quan trọng hàng đầu mà nhiều nước châu Phi đang chật vật tìm kiếm, chỉ cần đảm bảo nguồn cung ổn định và chưa nghĩ đến việc có đủ số lượng.
Đổi lại Nga tin rằng có thể nhận được sự ủng hộ từ các lá phiếu của châu Phi tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, một kết luận mà Matxcơva đã đúc kết được sau khi 17 quốc gia châu Phi bỏ phiếu trắng với dự thảo nghị quyết lên án Nga vì tấn công Ukraine.
Tại Uganda ngày 26-7, ông Lavrov cũng nhắc đến một khát vọng mà châu Phi luôn hướng tới: có được tiếng nói lớn hơn trên trường quốc tế và tại Liên Hiệp Quốc. Nhà ngoại giao Nga tuyên bố ủng hộ cải tổ Hội đồng Bảo an nhưng phải tính đến việc tăng số lượng đại diện cho châu Phi.
Ở chiều ngược lại, Tổng thống Uganda Yoweri Museveni cho biết ông không có lý do gì để chỉ trích Nga vì tấn công Ukraine, và ông tán dương tình hữu nghị Nga - Phi đã trải qua lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.
Quan hệ truyền thống
Như đã nói ở trên, Matxcơva có một lợi thế lịch sử mà phương Tây sẽ không có được. Hầu hết các nước ở châu Phi đều trải qua thời kỳ bị chế độ thực dân - đế quốc cai trị và Liên Xô là nước đã giúp họ giành độc lập, tự chủ. Khoảng một nửa vũ khí của châu Phi hiện nay đến từ Nga, chưa kể sự hiện diện của các công ty quân sự tư nhân khác mà Wagner là một điển hình.
Các nước phương Tây đang cố gắng giành lại ảnh hưởng đã mất trên lục địa thông qua việc cung cấp hàng hóa công để xây dựng hình ảnh là một đối tác đáng tin cậy trong cuộc chiến chống khủng bố và đảm bảo an ninh lương thực. Bên cạnh việc cạnh tranh ảnh hưởng với Nga, phương Tây còn một lý do khác để can dự trở lại châu Phi là tình hình khủng bố. Việc quân đội Pháp và châu Âu rút khỏi Mali, nơi các nhà chức trách muốn phát triển quan hệ với Nga, đã thay đổi mô hình an ninh ở khu vực.
Về kinh tế tại châu Phi, Pháp nói riêng và phương Tây nói chung đang bị Nga, Trung Quốc bỏ lại phía sau. Chẳng hạn tại Cameroon, nơi ông Macron đến vào ngày 26-7, các doanh nghiệp Pháp từng độc tôn thị trường nước này vào những năm 1990 song hiện nay họ hoàn toàn bị lấn lướt bởi các công ty Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trấn an và giải thích
Đây là những bước đi đầu tiên mà phương Tây đang làm trong lúc tìm đường trở lại châu Phi. Tại Cameroon, Tổng thống Pháp Macron tìm cách xoa dịu khi nói rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây là nhắm vào Nga chứ không phải châu Phi và ảnh hưởng đến khu vực là điều không mong muốn.
"Pháp sẽ hỗ trợ các nước châu Phi đối mặt với những cú sốc do chiến tranh gây ra bằng cách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp châu Phi để tăng sản lượng lương thực", ông Macron nêu cam kết nhưng không nói rõ châu Âu sẽ dành bao nhiêu tiền cho việc này.