Nga, Trung và những tâm thế khác nhau

2 năm trước 161
Nga, Trung và những tâm thế khác nhau - Ảnh 1.

Lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) trong một cuộc họp hẹp ở Samarkand, Uzbekistan, ngày 16-9 - Ảnh: REUTERS

Lần gần nhất ông Tập và ông Putin gặp mặt trực tiếp tại Bắc Kinh diễn ra chỉ vài tuần trước "chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga" tại Ukraine. Lần đó, hai nhà lãnh đạo đã tuyên bố quan hệ đối tác "không có giới hạn" và cam kết sẽ hợp tác nhiều hơn để chống lại phương Tây. 

Còn lần này, ông Tập và ông Putin đến với hội nghị SCO với những tâm thế khác nhau.

Lập trường cân bằng của Trung Quốc

Đối với ông Tập, cuộc gặp song phương với ông Putin hôm 15-9 diễn ra tại thành phố Samarkand của Uzbekistan như một phần của chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông trong hơn hai năm rưỡi qua và được thực hiện sau khi hội nghị Bắc Đới Hà về công tác tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 kết thúc.

Trong khi đó, ông Putin đến với hội nghị SCO trong bối cảnh quân lính Nga đang rút khỏi các vị trí mà họ giành giật chiếm được ở đông Ukraine trong vài tháng qua. Nước Nga đang cần động lực mới cũng như sự ủng hộ thực chất hơn để tái chiếm các khu vực đã mất.

Sau hơn nửa năm tuyên bố mối quan hệ "không giới hạn", mối quan hệ song phương vẫn chưa đi xa hơn các ủng hộ chính trị và quẩn quanh trong các tuyên bố ngoại giao. 

Bắc Kinh ngầm ủng hộ các hành động của Matxcơva ở Ukraine mà không có viện trợ vật chất; trong khi đó Nga ủng hộ Trung Quốc bằng cách chỉ trích chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan vào tháng 8 đã vi phạm chính sách "một Trung Quốc".

Để "ấm lòng" người Nga trong cuộc gặp song phương, ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ ủng hộ các lợi ích cốt lõi của Nga nhưng không đề cập khả năng cung cấp hỗ trợ cụ thể hơn.

Điều này thể hiện ông Tập đang cố gắng đạt được sự cân bằng trong quan hệ với cả ông Putin và phương Tây khi không lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine nhưng đồng thời cũng hết sức thận trọng để tránh vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, nước Nga cần nhiều hơn thế.

Trong bài phát biểu tại SCO ngày 16-9, Tổng thống Putin tuyên bố: "Chúng tôi đánh giá cao lập trường cân bằng của những người bạn Trung Quốc liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, chúng tôi hiểu câu hỏi và mối quan tâm của các bạn về vấn đề này và trong cuộc họp hôm nay, tất nhiên chúng tôi sẽ làm rõ tất cả những điều này một cách chi tiết".

Việc ông Putin đề cập ông Tập có thắc mắc và lo ngại về tình hình ở Ukraine thể hiện nước Nga đang rất cần sự ủng hộ của Trung Quốc hơn bao giờ hết, trong bối cảnh Matxcơva đang dần cảm nhận được sức ép của sự cô lập quốc tế và ngành năng lượng chủ chốt của Nga phải kiếm bạn hàng mới khi phương Tây sẵn sàng chấp nhận cho nền kinh tế chịu đau đớn để "cai" dầu và khí đốt Nga.

Điểm chung và khác biệt

Vị thế và tham vọng của Trung Quốc và Nga quá khác nhau trong cuộc gặp mặt ở SCO lần này. Một bên là cường quốc đang lên với nền kinh tế được dự báo sẽ sớm vượt Mỹ và nhiều tham vọng trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới vào năm 2049. 

Trong khi quốc gia còn lại, một cựu siêu cường đang vật lộn với một cuộc xung đột quân sự kéo dài qua tháng thứ bảy và sự bủa vây của đủ các lệnh cấm vận kinh tế.

Tuy nhiên, hai bên lại có điểm chung là cần thách thức sức mạnh và trật tự quốc tế do Mỹ dẫn dắt mà họ tin rằng đang tạo ra một thế giới bất ổn định. 

Ông Tập đưa ra hứa hẹn với ông Putin rằng: "Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Nga để đóng vai trò hàng đầu trong việc thể hiện trách nhiệm của các cường quốc, và truyền sự ổn định và năng lượng tích cực vào một thế giới đang bất ổn".

Dù vậy, cách thực hiện của hai bên lại khác nhau. Trung Quốc muốn đóng vai trò chi phối nhiều hơn và không muốn "phá bỏ" trật tự đó bằng sức mạnh quân sự. 

Ông Tập kêu gọi các nhà lãnh đạo nên "làm việc cùng nhau để thúc đẩy sự phát triển của trật tự quốc tế theo hướng công bằng và duy lý hơn" và các thành viên nên "ủng hộ hệ thống quốc tế với cốt lõi là Liên Hiệp Quốc".

Do đó, thật là ngây thơ nếu tin vào mối quan hệ Trung - Nga sẽ nhanh chóng hiện thực hóa để tạo thành một trục sức mạnh mới có thể làm lung lay trật tự quốc tế hiện có. 

Trung Quốc đã được hưởng lợi rất nhiều từ trật tự thế giới với các trụ cột tự do hóa, toàn cầu hóa do phương Tây dẫn dắt trong vài thập niên qua để trở thành cường quốc kinh tế số 2 thế giới. Họ có lẽ cần phải suy nghĩ rất nhiều nếu không muốn gây tổn hại những gì đã xây dựng.

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Tập và ông Putin cần được nhìn trong một bối cảnh rộng lớn hơn chỉ là hợp tác song phương để đối kháng lại phương Tây. 

Chuyến đi của ông Tập tới Trung Á là sự trở lại sân khấu chính trị thế giới của ông sau gần 1.000 ngày. Điều này cũng mang đến cho ông Tập cơ hội để chứng tỏ rằng bất chấp căng thẳng gia tăng với phương Tây, Trung Quốc vẫn còn có bạn bè và đối tác từ Nga, Pakistan, Iran và các nước Trung Á, những quốc gia phù hợp hơn với nỗ lực của Bắc Kinh.

Còn đối với ông Putin, đây là cơ hội để ông hướng Matxcơva sang phương Đông và từ bỏ châu Âu khi ông khẳng định mối quan hệ giữa Nga và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang mang lại "cơ hội mới to lớn cho người dân của chúng tôi", và "các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nền kinh tế Nga đã phản tác dụng".

SCO là một thể chế đa phương do Trung Quốc dẫn dắt bao gồm Nga, Ấn Độ, Pakistan, Iran và các quốc gia Trung Á thuộc khối Xô viết cũ nhằm đối trọng với các liên minh đối tác đa phương của phương Tây.

Hải quân Nga và Trung Quốc tuần tra chung ở Thái Bình DươngHải quân Nga và Trung Quốc tuần tra chung ở Thái Bình Dương

TTO - Ngày 15-9, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Hải quân Nga và Hải quân Trung Quốc đang tiến hành cuộc tuần tra chung ở Thái Bình Dương.

Nguồn bài viết