Nga tiếp tục đe dọa 'không bán dầu lẫn khí đốt' nếu bị áp giá trần

2 năm trước 175
Nga tiếp tục đe dọa không bán dầu lẫn khí đốt nếu bị áp giá trần - Ảnh 1.

Ông Dmitry Medvedev từng làm tổng thống Nga từ năm 2008 đến 2012 - Ảnh: REUTERS

"Rất đơn giản là sẽ không có khí đốt của Nga ở châu Âu nữa", ông Dmitry Medvedev cảnh báo trên ứng dụng Telegram ngày 2-9. Hiện ông đang là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trước đó kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) xem xét áp giá trần khí đốt mua từ Nga. Lời kêu gọi xuất hiện trong bối cảnh EU đang tăng tốc làm đầy các kho dự trữ khí đốt để sử dụng vào mùa đông.

Ở một mặt khác, các nước phương Tây đang cố gắng lật ngược thế cờ, lấy việc phụ thuộc phần lớn vào khí đốt Nga để trở thành lợi thế mặc cả. Mục tiêu của họ là siết chặt lợi nhuận của Nga từ việc bán dầu mỏ và khí đốt, vốn được cho là đang đổ vào chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Giới hoạch định chính sách phương Tây dường như tin rằng bằng việc áp giá trần khí đốt và dầu mỏ của Nga, Matxcơva hoặc sẽ phải chấp nhận bán và thu được một phần tiền hoặc sẽ không thu được gì cả.

Các bộ trưởng tài chính của nhóm G7 dự kiến ​​sẽ gặp nhau trong ngày 2-9 để bàn về các biện pháp thúc đẩy điều này.

Phản ứng trước các động thái mới của phương Tây, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo Matxcơva sẽ không bán dầu cho nước nào áp giá trần, theo Hãng tin Reuters.

"Nga sẽ không hợp tác với những nước như vậy, bởi đó là những thứ không dựa trên nguyên tắc thị trường", ông Peskov giải thích trong cuộc họp báo ngày 2-9, đồng thời cho rằng giá nhiên liệu cao hiện nay là do phương Tây chứ không phải Nga tạo ra.

Khi được hỏi về việc liệu Nga có cắt khí đốt cung cấp cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 như mấy ngày vừa qua, đại diện Điện Kremlin cho rằng đây là hệ quả của phương Tây gây khó khăn cho việc chuyển giao các tuabin khí của đường ống.

"Không có tuabin dự phòng nào khác, giờ chỉ còn 1 tuabin đang hoạt động. Đây không phải lỗi của Gazprom mà là do thiết bị đang bị thiếu. Cả hệ thống đều đang gặp rủi ro", ông Peskov quy trách nhiệm cho phương Tây.

Dự kiến việc cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 sẽ được nối lại lúc 1h sáng 3-9 (giờ GMT) sau vài ngày ngưng với lý do bảo trì.

EU nhập khẩu 2,2 triệu thùng dầu thô/ngày, 1,2 triệu thùng dầu tinh chế/ngày và 500.000 thùng dầu diesel/ngày vào năm 2021, trong đó Đức, Ba Lan và Hà Lan là những khách hàng lớn nhất.

Nga dọa ngừng bán dầu cho nước nào sẽ khống chế giá trần với dầu của NgaNga dọa ngừng bán dầu cho nước nào sẽ khống chế giá trần với dầu của Nga

TTO - Nga sẽ ngừng bán dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho nước nào định áp dụng giá trần với dầu của Nga. Đây là khẳng định của Phó thủ tướng Nga Alexander Novak trước kế hoạch áp giá trần với dầu mỏ của Nga của phương Tây.

Nguồn bài viết