Nga tham vọng xây dựng trạm điện hạt nhân trên sao Hỏa

3 năm trước 488
Chú thích ảnhBề mặt Hành tinh Đỏ. Ảnh: NASA

Các chuyên gia tại công ty thiết kế Arsenal thuộc Cơ quan Vũ trụ Roscosmos của Nga, chuyên về sản xuất tàu vũ trụ, vệ tinh cùng các công nghệ không gian khác, đã đề xuất lập một trạm điện hạt nhân trên sao Hỏa nhằm phục vụ căn cứ của nước này trong tương lai. 

Đài Sputnik dẫn đề xuất của công ty Arsenal cho hay lò phản ứng trên có thể được vận chuyển lên sao Hỏa bằng tàu Zeus và đáp xuống bề mặt hành tinh bằng hệ thống dù. Sau khi hạ cánh, trạm điện sẽ hoạt động để cung cấp năng lượng cho một căn cứ tiềm năng tại đây. 

Trên hết, nhóm chuyên gia nói rằng nếu Zeus được triển khai tại điểm Lagrange giữa Mặt trời và sao Hỏa (tức là điểm trong không gian mà lực hấp dẫn của hai thiên thể này mạnh như nhau), thì các cảm biến và bộ truyền liên lạc trên tàu có thể hoạt động như một kênh tốc độ cao để truyền thông tin về Trái đất từ bề mặt sao Hỏa và từ tàu vũ trụ quay quanh hành tinh này. 

Trước đó, Sputnik đưa tin rằng hệ thống động cơ đẩy điện cấp megawatt trong dự án Zeus sẽ cho phép nó vô hiệu hóa hệ thống điều khiển của tàu vũ trụ đối phương bằng xung điện từ, thậm chí còn có khả năng phóng chùm tia laser.

Các nhà thiết kế tại Trung tâm Nghiên cứu Keldysh có trụ sở tại Moscow cũng đã gợi ý rằng lớp tàu vũ trụ này có thể trở thành một thành viên trong mạng lưới phòng không của Nga, có nhiệm vụ phát hiện mục tiêu từ quỹ đạo và chuyển tiếp thông tin này tới các hệ thống tên lửa trên mặt đất.

Nga bắt tay vào nghiên cứu chế tạo một tàu vũ trụ liên hành tinh và một nhà máy điện hạt nhân từ năm 2010. Năm 2019, khái niệm về tàu kéo không gian lần đầu tiên được giới thiệu tại Triển lãm Hàng không và Không gian Quốc tế MAKS ở ngoại ô Moskva. 

Tháng 12 năm ngoái, Roscosmos đã ký hợp đồng trị giá 56,5 triệu USD với công ty thiết kế Arsenal để thiết kế thử nghiệm tàu kéo Zeus. Dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2024 và chuyến bay thử nghiệm đầu tiên dự kiến khởi hành vào năm 2030.

Nguồn bài viết