Tàu phá băng Yakutia được hạ thủy ở thành phố Saint Petersburg, Nga, ngày 22-11 - Ảnh: REUTERS
Phát biểu tại lễ hạ thủy ở thành phố Saint Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng những tàu phá băng này mang tầm quan trọng "chiến lược" và sự phát triển của miền bắc sẽ đóng góp quan trọng vào tương lai của Nga.
Hai tàu được hạ thủy lần này gồm tàu Ural và Yakutia, trong đó tàu Ural sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng sau, trong khi tàu Yakutia hoạt động từ năm 2024. Trước đó, Nga đã có hai tàu phá băng là Arktika và Sibir, và dự kiến sẽ có thêm một tàu nữa vào năm 2026.
"Cả hai tàu phá băng nằm trong dự án nối tiếp lớn và là một phần trong công việc có hệ thống, quy mô lớn nhằm tái trang bị và bổ sung cho hạm đội tàu phá băng trong nước, nhằm củng cố vị thế của Nga là một cường quốc Bắc Cực", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Putin nói.
Bắc Cực đang có ý nghĩa chiến lược lớn hơn do biến đổi khí hậu, khi phần băng đang tan mở ra các tuyến đường biển mới. Nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào nằm ở các vùng Bắc Cực của Nga, bao gồm cả một nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng trên Bán đảo Yamal. Việc đi lại qua khu vực này thường bị tạm dừng vào cuối năm, nhưng Nga đang muốn giao thông thông suốt quanh năm.
"Các tàu này cần thiết cho việc nghiên cứu và phát triển Bắc Cực, để đảm bảo hàng hải an toàn, bền vững trong khu vực này, tăng cường giao thông dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc.
Việc phát triển hành lang giao thông quan trọng nhất này sẽ cho phép Nga khai thác triệt để hơn tiềm năng xuất khẩu của mình và thiết lập các tuyến hậu cần hiệu quả, bao gồm cả đến Đông Nam Á", ông Putin giải thích.
Theo Hãng tin Tass, Nga đang thực hiện các kế hoạch nhằm tăng cường vận chuyển qua Tuyến đường biển phía Bắc lên 200 triệu tấn. Ông Putin cho biết kế hoạch này sẽ đem lại doanh thu lớn cho Nga.
Trước đó, Nga đã đầu tư rất nhiều vào tuyến đường biển này. Tuy nhiên, khó khăn do cuộc chiến ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt khiến Nga phải đẩy nhanh việc chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang châu Á.