Hệ thống phòng không Patriot - Ảnh chụp màn hình Army Technology
Đức đã đề nghị cung cấp cho Ba Lan các hệ thống Patriot sau khi một tên lửa rơi xuống lãnh thổ nước này hồi tuần trước khiến hai người thiệt mạng. Berlin và Warsaw là hai đồng minh trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak sau đó từ chối và đề nghị thay vì chuyển tới Ba Lan, Đức nên đưa các hệ thống Patriot tới Ukraine.
Trong một cuộc họp báo ngày 25-11, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tiếp tục thúc giục Đức đưa Patriot đến Ukraine "để bảo vệ cả Ukraine và Ba Lan một cách hiệu quả nhất dưới góc độ quân sự".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht bác bỏ yêu cầu này từ ngày 24-11, với lý do bất kỳ việc sử dụng nào bên ngoài lãnh thổ NATO sẽ cần phải thảo luận trước với NATO và các đồng minh. Người phát ngôn Chính phủ Đức xác nhận Berlin đang tham khảo các ý kiến đồng minh trong một cuộc họp báo ngày 25-11.
Phản ứng trước sự chần chừ và động thái "đá bóng trách nhiệm" của Berlin, Tổng thư ký NATO Stoltenberg lên tiếng trong cùng ngày 25-11.
"Quyết định cụ thể liên quan việc gửi hệ thống gì tùy thuộc vào quốc gia đó", ông Stoltenberg trả lời báo giới, ám chỉ việc NATO không có trách nhiệm quyết định các nước thành viên gửi gì cho Ukraine.
"Đôi khi có những thỏa thuận về người dùng cuối và những thứ khác cần tham khảo ý kiến của các đồng minh khác. Song cuối cùng thì quyết định phải do chính phủ các quốc gia đưa ra", ông Stoltenberg nói thêm.
Hệ thống phòng không Patriot là sản phẩm của tập đoàn Raytheon có trụ sở tại Mỹ, là hệ thống phòng thủ phổ biến trong quân đội các nước phương Tây.
Trả lời câu hỏi liệu NATO có nguy cơ trở thành một bên trong cuộc xung đột hay không khi gửi Patriot tới Ukraine, ông Stoltenberg cho biết trước đây các đồng minh đã chuyển vũ khí tiên tiến tới Kiev, song không có binh sĩ NATO nào đi kèm nên sẽ không có vấn đề gì.
Ukraine đã liên tục thúc giục phương Tây gửi thêm vũ khí đến nước này để bảo vệ các cơ sở hạ tầng dân sự trọng yếu. Chính quyền Kiev cáo buộc Nga nhắm vào các mục tiêu dân sự, trái với tuyên bố của Matxcơva là chỉ nhắm vào mục tiêu quân sự bằng vũ khí chính xác cao.