Theo trang The Guardian (Anh), Trạm Vũ trụ quốc tế được xây dựng và vận hành dựa trên sự hợp tác của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, châu Âu, Nhật Bản và Canada. Mặc dù hiện chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Moskva có ý định dừng hợp tác sau xung đột với Ukraine, song giới chức NASA đang nỗ lực tìm cách giảm phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực không gian.
Trong khi phía Mỹ thực hiện nhiệm vụ cung cấp năng lượng và hỗ trợ sự sống trên ISS, Nga chịu trách nhiệm đẩy và giữ trạm vũ trụ khỏi chệch quỹ đạo. Điều này được Moskva thực hiện bằng cách đưa tàu Progress lên quỹ đạo định kỳ để bảo dưỡng và duy trì độ cao của của trạm ở khoảng 400 km.
Vào tuần trước, Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos Dmitry Rogozin đã nêu vấn đề về việc rút khỏi quan hệ hợp tác không gian nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông nói: “Nếu Mỹ ngừng hợp tác với chúng tôi, ai sẽ cứu ISS khỏi việc chệch quỹ đạo một cách mất kiểm soát, khiến nó có nguy cơ có thể rơi xuống Mỹ hoặc châu Âu? Và cũng có thể tổ hợp nặng hơn 400 tấn này sẽ rơi xuống Ấn Độ hoặc Trung Quốc”, ông Rogozin viết trên Twitter.
Bà Kathy Lueders - người đứng đầu văn phòng phụ trách các sứ mệnh thám hiểm và chiến dịch đưa con người lên vũ trụ của NASA - cho biết Công ty Hàng không Vũ trụ và Quốc phòng Northrop Grumman của Mỹ đã đưa ra một biện pháp thay thế giúp duy trì độ cao của trạm ISS. Bà nói rẳng những thành viên của SpaceX đang xem xét liệu họ có thể đảm nhiệm thêm năng lực đó hay không.
Song bà Lueders tiết lộ thêm rằng hoạt động trên trạm vũ trụ vẫn diễn ra như bình thường và mọi người đều tìm cách để có được sự linh hoạt hơn trong hoạt động. “Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các đối tác của chúng tôi không tuân thủ cam kết hợp tác. Các nhóm nghiên cứu của NASA và Roscosmos vẫn trò chuyện, đào tạo và làm việc cùng nhau”, bà chia sẻ.
Sau hành trình kéo dài hơn 1,5 ngày, hôm 21/2, tàu vũ trụ Cygnus của Northrop Grumman đã đã cập bến ISS thành công. Cygnus là tàu vận tải đầu tiên của Mỹ có khả năng duy trì hoạt động của ISS mà không cần sự trợ giúp của Nga.
Hôm 25/2, ông chủ của SpaceX, Elon Musk, đã phản hồi câu hỏi của người đứng đầu Roscosmos Rogozin về việc ai sẽ cứu ISS khỏi chệch quỹ đạo mất kiểm soát bằng cách đăng hình logo của SpaceX.
Tuy nhiên, bà Lueders nhấn mạnh rằng những kế hoạch này chỉ là biện pháp dự phòng. Bà cho rằng sẽ rất khó để Mỹ tự vận hành ISS.
“Trạm vũ trụ này được tạo nên bởi mối quan hệ đối tác quốc tế với sự phụ thuộc lẫn nhau. Là một nhóm, chúng tôi đang xem xét những giải pháp linh hoạt trong hoạt động, nhưng sẽ thật đáng buồn cho các hoạt động quốc tế nếu chúng ta không thể tiếp tục hoạt động một cách hòa bình trong không gian”, bà nói.
Là một biểu tượng của thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, ISS đã liên tục phải đối mặt với các tranh chấp trong hơn 21 năm qua. Tuy nhiên, nó đã vượt qua những “cơn bão” địa chính trị trong quá khứ, đặc biệt là khi Nga sáp nhập lãnh thổ Crimea của Ukraine vào năm 2014. Sau khi Mỹ đã áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Nga, giới chức nước này thông báo rằng họ sẽ không hỗ trợ phóng phi hành gia Mỹ đến và đi từ ISS kể từ năm 2020. Một số nhà quan sát tin rằng chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine hiện nay có thể đẩy nhanh sự sụp đổ trong nỗ lực hợp tác không gian giữa Moskva và Washington.