Siêu tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) - Ảnh: ARS TECHNICA
Vào tối 16-4 (giờ địa phương), Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) công bố kế hoạch sẽ kéo siêu tên lửa hệ thống SLS từ bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy về lại tòa nhà lắp ráp hệ thống trong những ngày tới, theo trang tin Ars Technica.
Quyết định được đưa ra sau 3 lần thử nghiệm thất bại trong 2 tuần qua. Điều này đánh dấu một bước lùi đáng chú ý của chương trình không gian đầy tham vọng này.
Kể từ ngày 1-4, NASA đã tiến hành kéo siêu tên lửa hệ thống SLS đến bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy để "diễn tập" việc tiếp nhiên liệu.
Mỗi nỗ lực tiếp nhiên liệu đều bị ảnh hưởng bởi một hoặc nhiều vấn đề kỹ thuật với tên lửa, tháp phóng di động của nó hoặc các hệ thống mặt đất cung cấp chất đẩy và khí đốt.
Trong lần thử gần đây nhất, vào ngày 14-4, NASA đã thành công trong việc nạp được 49% bình nhiên liệu oxy lỏng ở tầng lõi và 5% bình chứa hydro lỏng.
Mặc dù điều này thể hiện sự tiến bộ, nhưng nó chưa đạt yêu cầu của thử nghiệm, trong đó tên lửa phải được nạp đầy đủ nhiên liệu và tăng áp.
NASA cho biết khi tên lửa SLS quay trở lại tòa nhà lắp ráp, các nhà thầu cũng như cơ quan của họ sẽ sử dụng vài tuần tới để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình tiếp nhiên liệu.
Ví dụ, nhà cung cấp hệ thống nitơ thể khí Air Liquide sẽ nâng cấp khả năng của mình. NASA cũng sẽ thay thế van một chiều bị lỗi ở tầng trên của tên lửa, cũng như khắc phục sự cố rò rỉ nhiên liệu trên "đuôi rốn" của tháp phóng di động, một cấu trúc cao 10m cung cấp đường dẫn điện và nhiên liệu cho tên lửa.
Tuy nhiên, NASA có vẻ tự tin rằng họ sẽ vượt qua được quá trình "mọc răng đau đớn" này của siêu tên lửa SLS: một chương trình đã được 11 năm tuổi và NASA đã đầu tư hơn 30 tỉ USD vào hệ thống siêu tên lửa và mặt đất hiện đang được thử nghiệm.
Theo trang tin của NASA, chiều 18-4 (giờ địa phương), NASA sẽ tổ chức một cuộc họp từ xa để thảo luận về tình trạng của cuộc thử nghiệm diễn tập tiếp nhiên liệu cho siêu tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) và tàu vũ trụ Orion.
Đồng thời, NASA cũng sẽ xem xét lại lịch trình phóng siêu tên lửa mặt trăng Artemis 1.