NASA hé lộ cận cảnh mẫu vật tiểu hành tinh 4,5 tỷ năm tuổi

1 năm trước 91
Chú thích ảnhMẫu vật NASA thu thập được từ Bennu. Ảnh: AFP

Hãng thông tấn AFP (Pháp) nhận định mẫu vật này góp phần cung cấp thêm bằng chứng cho giả thuyết rằng sự sống trên Trái Đất được “gieo mầm” từ ngoài vũ trụ.

Một khoang tàu vũ trụ của NASA đã được thả bằng dù xuống sa mạc bang Utah của Mỹ ngày 24/9, mang theo mẫu vật lấy từ bề mặt tiểu hành tinh Bennu. Tàu vũ trụ OSIRIS-Rex đã thực hiện sứ mệnh kéo dài 7 năm đến Bennu để mang mẫu vật về Trái Đất.

Trong cuộc họp báo ở Trung tâm Vũ trụ Johnson ở Houston hôm 11/10 tiết lộ những hình ảnh đầu tiên với bụi đen và sỏi từ Bennu, giám đốc NASA Bill Nelson nhận định: “Đây là mẫu vật tiểu hành tinh giàu carbon lớn nhất từng được đưa về Trái Đất”.

Ông cho biết, carbon chiếm gần 5% tổng trọng lượng của mẫu vật, hiện diện ở cả dạng hữu cơ và khoáng chất. Bên cạnh đó, nước bị khóa bên trong cấu trúc tinh thể của khoáng sét. Các nhà khoa học tin rằng các tiểu hành tinh mang theo nước tấn công Trái Đất cách đây 4 đến 4,5 tỷ năm đã dẫn đến hình thành đại dương, hồ và sông. Từ đây, Trái Đất trở thành hành tinh có thể sinh sống được.

Trong khi đó, tất cả sự sống trên Trái Đất đều dựa trên carbon, hình thành thành liên kết với các nguyên tố khác để tạo ra protein và enzyme cũng như các khối xây dựng của mã di truyền, DNA và RNA.

Các phát hiện này được thực hiện thông qua phân tích sơ bộ với kính hiển vi điện tử quét, chụp cắt lớp vi tính bằng tia X và hơn thế nữa.

Nhà khoa học NASA Daniel Glavin cho biết còn nhiều việc phải làm và mẫu vật sẽ được chia sẻ với các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới để nghiên cứu thêm.

Dưới đây là video về buổi công bố mẫu vật Bennu của NASA (Nguồn: AFP):

 

Chú thích ảnhTiểu hành tinh Bennu được đặt theo tên một vị thần Ai Cập cổ đại. Ảnh: AFP
Chú thích ảnhKhoang tàu vũ trụ OSIRIS-REx của NASA, mang theo mẫu vật lấy từ bề mặt tiểu hành tinh Bennu, sau khi được thả xuống sa mạc bang Utah, Mỹ ngày 24/9. Ảnh: AFP/TTXVN
Chú thích ảnhHình ảnh mô phỏng tàu thăm dò Osiris-Rex đáp xuống bề mặt hành tinh Bennu. Ảnh (do NASA cung cấp ngày 11/8/2020): AFP/TTXVN

Theo NASA, tiểu hành tinh Bennu được đặt theo tên một vị thần Ai Cập cổ đại, là một "hiện vật nguyên thủy được bảo tồn trong chân không vũ trụ", khiến nó trở thành mục tiêu nghiên cứu hấp dẫn. Quỹ đạo của Bennu, giao với quỹ đạo của Trái Đất, cũng khiến hành trình trở nên dễ dàng hơn so với việc đi đến Vành đai tiểu hành tinh, nằm giữa Sao Hỏa và Sao Mộc.

Ngoài những hiểu biết khoa học, việc hiểu rõ hơn về thành phần của Bennu sẽ hữu ích nếu nhân loại cần tránh xa nó. NASA cho biết mặc dù không có nguy cơ Bennu va vào Trái Đất giữa những năm 2100, nhưng khả năng xảy ra sẽ tăng lên trong khoảng thời gian từ đó đến năm 2300.

NASA cho biết họ sẽ bảo quản ít nhất 70% mẫu phẩm tại Houston để nghiên cứu trong tương lai. Bà Eileen Stansbery, lãnh đạo bộ phận nghiên cứu vật liệu thiên văn tại Trung tâm Vũ trụ Johnson nêu rõ: “Các mẫu sẽ sẵn sàng cho những câu hỏi mới, kỹ thuật mới, thiết bị mới trong tương lai”. Các phần bổ sung sẽ được gửi để trưng bày công khai tại Viện Smithsonian, Trung tâm Vũ trụ Houston và Đại học Arizona.

OSIRIS-REx không phải là tàu thăm dò đầu tiên tiếp xúc với tiểu hành tinh và mang về mẫu vật để nghiên cứu. Nhật Bản đã hai lần thành công vào năm 2010 và 2020. Nhưng hai mẫu phẩm Nhật Bản thu thập được chỉ có trọng lượng khoảng 250 gram và 5,4 gram.

Nguồn bài viết