Trong cuộc đối đầu công nghệ Mỹ - Trung, Đông Nam Á và các thị trường kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng trở thành chiến trường chính cho tài sản kỹ thuật số khổng lồ của cả hai siêu cường kinh tế. Tại khu vực chiến lược này, Amazon, Microsoft, Google, Alibaba và các công ty khác đang tập trung đầu tư mạnh vào điện toán đám mây, dịch vụ cung cấp sức mạnh xử lý và lưu trữ dữ liệu trên mọi quy mô của các tập đoàn, tổ chức chính phủ.
Xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu
Theo Nikkei, một cấu trúc cơ sở hạ tầng khổng lồ rộng 170.000 mét vuông đang được xây dựng ở Tanjong Kling, cách trung tâm thành phố Singapore khoảng 20 phút lái xe. Thoạt nhìn, tòa nhà 11 tầng mang dáng dấp của một trung tâm hậu cần. Tuy nhiên, các đội an ninh nghiêm ngặt và camera giám sát xung quanh đã ngầm cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của cơ sở này. Sau khi hoàn thành, nơi đây sẽ được lấp đầy các dãy máy chủ lưu trữ hàng trăm triệu thông tin cá nhân nhạy cảm của người dùng internet. Đây cũng là trung tâm dữ liệu đầu tiên được xây dựng theo yêu cầu của Facebook ở châu Á. Được biết, mạng xã hội lớn nhất thế giới sẽ đầu tư khoảng 1 tỉ USD cho dự án.
Cơ sở nêu trên chỉ là một trong nhiều trung tâm dữ liệu mà các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu đang xây dựng ở Đông Nam Á. Với hệ thống chính trị ổn định, đội ngũ nhân lực công nghệ tay nghề cao và đường kết nối với một tuyến cáp thông tin liên lạc dưới biển liên kết với phần còn lại của thế giới, Singapore đã trở thành điểm đến hàng đầu của các ông lớn công nghệ đang cạnh tranh cho nhu cầu dịch vụ điện toán đám mây ngày càng tăng ở Đông Nam Á.
Theo công ty dịch vụ bất động sản Cushman & Wakefield, các trung tâm dữ liệu ở Singapore có công suất 410 megawatt, cùng với 170 megawatt khác đang được triển khai. Điều này biến Singapore trở thành trung tâm dữ liệu toàn cầu, tương đương với Frankfurt (Đức) và Chicago (Mỹ). Không những thế, Singapore còn nổi bật vì là chỗ đứng chiến lược cho các hãng công nghệ Trung Quốc như Alibaba và Tencent.
Lạc quan về tiềm năng của khu vực
Amazon là công ty dẫn đầu thế giới trong số các nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Theo công ty nghiên cứu Canalys, Amazon Web Services (AWS) kiểm soát hơn 30% thị trường toàn cầu trong quý 2/2021. AWS hiện bổ sung cơ sở hạ tầng ở Jakarta (Indonesia), dự kiến sẽ hoạt động vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Các trung tâm dữ liệu sẽ là mục tiêu thứ hai của AWS tại Đông Nam Á.
Microsoft hồi đầu năm tuyên bố sẽ thành lập trung tâm dữ liệu ở Indonesia và Malaysia. Nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn thứ hai thế giới rất lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của khu vực. “Đông Nam Á có 650 triệu người, lớn hơn nhiều so với Liên minh châu Âu với 446 triệu người. Khu vực này có cách tiếp cận di động và ưu tiên thiết bị di động không nơi nào có thể so sánh được. Chúng tôi tiếp tục nhận thấy lực lượng tăng trưởng từ những cá nhân muốn khởi nghiệp, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, cho đến những doanh nghiệp lớn nhất thế giới”, Chủ tịch Microsoft châu Á Ahmed Mazhari nói.
Alibaba, đứng thứ tư trên thị trường dịch vụ đám mây toàn cầu sau Amazon, Microsoft và Google, trong tháng 6.2021 tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỉ USD trong vòng 3 năm để nuôi dưỡng các nhà phát triển và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp châu Á - Thái Bình Dương. Bộ phận điện toán đám mây của công ty đã khai trương trung tâm dữ liệu thứ ba tại Indonesia và dự kiến khai trương một trung tâm ở Philippines trong năm nay.
Dịch vụ đám mây trở thành trụ cột doanh thu
Theo Canalys, trong quý 2/2021, thị trường dịch vụ đám mây toàn cầu đạt trị giá 47 tỉ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu thuần của AWS đã tăng 14,8 tỉ USD trong cùng quý, tương đương 37% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ đám mây Azure của Microsoft cũng tăng 51% trong quý kết thúc vào tháng 6. Google, Temasek Holdings và Bain & Co cho biết tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế internet trong khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng gấp ba lần, lên 300 tỉ USD, vào năm 2025.
Tuy nhiên, thị trường toàn cầu hiện đã có sự phân chia. Tại Trung Quốc, Alibaba và Tencent thống trị chủ yếu do hạn chế áp đặt đối với các công ty công nghệ nước ngoài. Còn ở phương Tây, Amazon, Microsoft, Google và các công ty khác đang cạnh tranh gay gắt. Đáng chú ý là trong những năm gần đây Alibaba đã lấn sân sang phương Tây, bao gồm cả Mỹ. Nhưng tham vọng này đang giảm dần khi Washington ngày càng lo ngại về rủi ro bảo mật có thể xảy ra đối với các công ty sử dụng dịch vụ đám mây của Trung Quốc.
Theo quan sát của ông Kevin Imboden, Giám đốc nghiên cứu cấp cao về dữ liệu tại Cushman & Wakefield, trong bối cảnh phân đôi toàn cầu như hiện nay, Đông Nam Á đã nổi lên như một chiến trường chung nơi các công ty Trung Quốc và phương Tây có thể cạnh tranh với nhau. Danh sách khách hàng đan xen của các nhà cung cấp dịch vụ đám mây trong khu vực phản ánh sự cạnh tranh mạnh mẽ.
Ví dụ, Amazon và Microsoft cung cấp dịch vụ đám mây cho ứng dụng Grab có trụ sở tại Singapore. Trong khi đó, Alibaba tự hào có nhà lãnh đạo thương mại điện tử Indonesia Tokopedia là khách hàng dịch vụ đám mây quan trọng. Amazon cho biết AWS cũng cung cấp dịch vụ cho Tokopedia.
Rủi ro địa chính trị
Theo báo cáo của trang tin Caixin, công ty mẹ của TikTok là ByteDance đã ngừng sử dụng dịch vụ đám mây của Alibaba cho các hoạt động kinh doanh bên ngoài Trung Quốc. Năm ngoái, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã cố gắng cấm ứng dụng TikTok ở Mỹ vì lo ngại rủi ro bảo mật. Tháng 6.2021, Tổng thống Joe Biden rút một loạt lệnh hành pháp liên quan đến việc cấm TikTok, nhưng vẫn ra lệnh xem xét bảo mật rộng rãi các ứng dụng có liên quan đến “đối thủ nước ngoài” bao gồm Trung Quốc.
Alibaba đầu tháng này công bố doanh thu mảng điện toán đám mây đạt khoảng 2,48 tỉ USD trong quý tính đến tháng 6.2021, tăng 29% so với năm trước. Tuy nhiên, công ty cũng cho biết “tăng trưởng doanh thu hằng năm của bộ phận điện toán đám mây bắt đầu giảm xuống kể từ quý trước, chủ yếu là do một khách hàng hàng đầu trong ngành internet đã ngừng sử dụng các dịch vụ đám mây ở nước ngoài của chúng tôi”.
“Alibaba Cloud đủ tốt để có thể xây dựng ở Trung Quốc, nhưng bạn sẽ không sử dụng được dịch vụ này ở phương Tây. Tương tự, dịch vụ đám mây của Mỹ rất tốt, nhưng bạn không thể sử dụng chúng ở Trung Quốc”, Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành Google, Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia Mỹ về Trí tuệ nhân tạo, nói với Nikkei.
Theo ông Abishur Prakash, chuyên gia địa chính trị tại trung tâm tư vấn Center for Innovating the Future, giữa lúc các đối thủ Mỹ và Trung Quốc đang tranh nhau chỗ đứng tại khu vực Đông Nam Á, các doanh nghiệp trong khu vực “cần có một chiến lược địa chính trị” và thậm chí có thể phải chấp nhận rủi ro khi “lựa chọn chiến tuyến” trong cuộc đối đầu này.