Vịnh Mexico chiếm khoảng 15% sản lượng dầu của Mỹ - Ảnh: BLOOMBERG
Kế hoạch này đề xuất ngừng tất cả hoạt động khoan mới trong vùng biển của Mỹ tại Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, theo Đài CNBC.
Tuy nhiên, kế hoạch có thể cho phép bán các dự án cho thuê khai thác dầu khí ngoài khơi, bao gồm 10 dự án ở vịnh Mexico và một dự án tiềm năng khác ở ngoài khơi bờ biển phía nam Alaska, theo tờ Financial Times.
Nhà Trắng đã phải vật lộn để thúc đẩy một chương trình nghị sự đầy tham vọng về khí hậu, trong bối cảnh đang giải quyết sự thất vọng của công chúng về giá xăng dầu cao góp phần khiến lạm phát ở Mỹ tăng cao nhất trong 40 năm.
Việc công bố chương trình cho thuê nói trên của Chính phủ Mỹ ngay lập tức thu hút sự chú ý từ ngành công nghiệp dầu mỏ và các nhà hoạt động khí hậu.
Theo tờ Financial Times, ngành công nghiệp dầu mỏ muốn Chính phủ Mỹ có một kế hoạch rộng hơn. Trong khi đó các nhà hoạt động khí hậu kêu gọi chính quyền ông Biden thực hiện cam kết chấm dứt hoạt động khoan dầu trên đất liên bang.
Bộ Nội vụ cho biết họ sẽ bắt đầu trưng cầu ý kiến công chúng về các khu vực được đề xuất cho thuê. Việc đấu thầu dự án cho thuê khai thác dầu khí ngoài khơi đầu tiên sẽ được tổ chức vào năm 2023.
"Từ ngày đầu, Tổng thống Biden và tôi đã thể hiện rõ cam kết chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch. Hôm nay (1-7), chúng tôi đưa ra cơ hội để người dân Mỹ xem xét và cho ý kiến về tương lai của việc cho thuê khai thác dầu khí ngoài khơi", Bộ trưởng Nội vụ Deb Haaland cho biết.
Cuộc đấu thầu dầu khí ngoài khơi gần đây nhất của Bộ Nội vụ, vào tháng 11-2021 tại vịnh Mexico, đã bị tòa hủy bỏ khi cho rằng chính quyền đã không tính toán đầy đủ các tác hại đối với môi trường và tác động với biến đổi khí hậu.