Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: REUTERS
Thông tin được đưa ra ngày 8-6 sau khi Mỹ tiến hành vòng rà soát, đánh giá về sự tham gia của nước này trong các sản phẩm quan trọng, từ lĩnh vực bán dẫn tới pin dành cho xe điện.
Trước đó, vào tháng 2 năm nay, Tổng thống Biden đã ra lệnh rà soát các chuỗi cung ứng, yêu cầu báo cáo trong vòng 100 ngày về những rủi ro Mỹ đối mặt trong việc tiếp cận những mặt hàng trọng yếu như y tế, đất hiếm… mà Mỹ đang lệ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.
Lực lượng đặc trách về chuỗi cung ứng nêu trên sẽ do Đại diện Thương mại Mỹ dẫn đầu. Họ sẽ xác định các vi phạm cụ thể vốn phá hoại chuỗi cung ứng thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại. Sau khi xác định sai phạm, Mỹ sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt tương ứng lên các quốc gia vi phạm.
Theo Hãng tin Reuters, dù không đề cập một cách rõ ràng tới Trung Quốc, phần rà soát này phản ánh chiến lược rộng lớn hơn của ông Biden nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Mỹ trước thách thức do Trung Quốc đặt ra.
Một quan chức cho biết Mỹ đang đối mặt với những hành động thương mại không công bằng từ "một số chính phủ nước ngoài", ở cả bốn trong số các chuỗi cung ứng Washington đang rà soát. Các hành động "không công bằng" này bao gồm trợ cấp chính phủ và ép buộc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ.
Vị quan chức này nói: "Rõ ràng, một số chính sách công nghiệp của Trung Quốc đã góp phần vào chuỗi cung ứng dễ tổn thương của Mỹ. Tôi cho rằng bạn sẽ thấy lực lượng đặc trách này tập trung vào việc tác động tới các diễn biến trong chính sách Trung Quốc của chúng tôi".
Thực tế, chính sách kinh tế hay thương mại của Mỹ là điều có thể tác động tới cả các đối tác và đồng minh của Mỹ, không riêng Trung Quốc.
Vị quan chức trong bản tin của Reuters vì vậy trấn an rằng Mỹ không tìm cách "gây mậu dịch chiến với đồng minh và đối tác của mình". Thay vào đó, Washington sẽ tập trung vào "những sản phẩm rất mang tính mục tiêu".