Mỹ cảnh báo rủi ro khi quỹ Trung Quốc mua lại nhà sản xuất chip Hàn Quốc

3 năm trước 277
Theo South China Morning Post, trong một hồ sơ gửi lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC), Magnachip, niêm yết tại New York, cho biết Bộ Tài chính Mỹ, thay mặt cho Ủy ban liên cơ quan về Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), đã “xác định các rủi ro đối với an ninh quốc gia” của Mỹ trong giao dịch với quỹ đầu tư cổ phần Trung Quốc Wise Road Capital.
CFIUS, cơ quan chuyên đánh giá tác động an ninh quốc gia của việc sáp nhập, mua lại và tiếp quản trong nước, không nêu chi tiết về bản chất của các rủi ro. Tuy nhiên, CFIUS đã ban hành lệnh tạm thời vào tháng 6.2021 cho Magnachip để đình chỉ thỏa thuận mua bán. Giao dịch Magnachip được CFIUS bắt đầu xem xét vào tháng 5.2021 và sẽ được chuyển đến Tổng thống Mỹ Joe Biden để đưa ra quyết định cuối cùng.
Ngày 25.3, Magnachip đã ký thỏa thuận với South Dearborn Limited, công ty được thành lập tại Quần đảo Cayman bởi một chi nhánh của Wise Road và Michigan Merger Sub có trụ sở tại tiểu bang Delaware (Mỹ). Theo đó, Merger Sub sẽ hợp nhất với Magnachip và trở thành một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của South Dearborn dưới quyền Wise Road.
Trong hồ sơ gửi lên SEC, nhà sản xuất chip Hàn Quốc dự kiến sẽ cung cấp thêm thông tin cho CFIUS, bao gồm “các đề xuất giảm thiểu vĩnh viễn rủi ro an ninh quốc gia đã xác định”. Đây là trường hợp mới nhất về việc chính phủ Mỹ tiếp tục kiềm chế các thương vụ mua lại của Trung Quốc cho dù doanh nghiệp đang được xem xét có trụ sở bên ngoài nước Mỹ.
Theo ông Gary Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao về về khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, trường hợp Magnachip cho thấy CFIUS đã mở rộng sự giám sát đến các công ty không có bất kỳ cơ sở vật chất hoặc tài sản trí tuệ nào ở Mỹ.
Magnachip được tách ra từ gã khổng lồ chip nhớ Hynix Semiconductor của Hàn Quốc. Cơ sở sản xuất của Magnachip ở Hàn Quốc và duy trì sự hiện diện như một doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ. Với hơn 40 năm hoạt động, Magnachip là nhà thiết kế và sản xuất các thiết bị bán dẫn tín hiệu cho truyền thông, Internet Vạn vật (Internet of Things), các ứng dụng tiêu dùng, công nghiệp và ô tô.
Ông Gary Ng mô tả Magnachip là nhà sản xuất “các linh kiện nhỏ nhưng quan trọng cho nhiều thiết bị điện tử và pin”, đồng thời chỉ ra khả năng nó sẽ giúp Trung Quốc giải quyết “tắc nghẽn” trong nguồn cung linh kiện.
“Magnachip có thể có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ và Hàn Quốc trong cuộc chạy đua về sản xuất chip, an ninh chuỗi cung ứng với Trung Quốc. Từ quan điểm địa chính trị, động thái này dường như là một thỏa thuận ngầm giữa Mỹ và Hàn Quốc. Nếu thương vụ bị Mỹ từ chối, Hàn Quốc sẽ vui vẻ thừa nhận mà không cần giải thích rõ ràng và có khả năng sẽ ít gặp phải phản ứng dữ dội hơn từ phía Trung Quốc”, ông Gary nói.
Trong khi đó, ông Stewart Randall, người đứng đầu bộ phận điện tử và phần mềm nhúng tại công ty tư vấn Intralink, cho rằng vụ việc có thể tạo tiền lệ cho các thương vụ xuyên biên giới của Trung Quốc trong tương lai. “Nếu một công ty như Magnachip thuộc về phía Trung Quốc và bị coi là mối đe dọa an ninh, thì bất kỳ công ty bán dẫn nào cũng có thể bị như vậy”. Được biết, Bắc Kinh đã thúc giục các công ty trong nước tăng cường đầu tư ra nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao mới nổi, đồng thời giảm hạn chế đối với công nghệ nhập khẩu.
Kể từ khi được thành lập vào năm 2016, Wise Road đã nổi lên như một quỹ đầu tư tích cực của Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn. Trong một thương vụ lớn, Wise Road đã hợp tác với JAC Capital để mua lại mảng kinh doanh sản phẩm tiêu chuẩn của NXP Semiconductors với giá 2,75 tỉ USD vào năm 2017, sau đó đổi tên đơn vị thành Nexperia.
Nguồn bài viết