Mừng mừng tủi tủi làm đám cưới qua... điện thoại

3 năm trước 285
Mừng mừng tủi tủi làm đám cưới qua... điện thoại - Ảnh 1.

Ảnh cưới của Ly và vợ - Ảnh do nhân vật cung cấp

Lễ cưới chỉ có một mâm cơm báo ông bà tổ tiên. Cô dâu, chú rể từ Hà Nội ngồi nhìn "lễ cưới" của mình qua camera.

Ba lần tổ chức lễ cưới không thành

Nguyễn Khắc Ly (29 tuổi) cùng vợ đều là hai thợ cắt tóc thời trang có tiếng tại Hà Nội. Ly người Đà Nẵng, còn Lý Kim Huế người Tày, nhà ở thôn Phật Chỉ, xã Đình Lập (huyện Đình Lập, Lạng Sơn).

Bà Nguyễn Thị Nga - mẹ chú rể - cho biết dịp tết vừa qua, cả nhà quyết định chọn ngày 22-5 để tổ chức tiệc cưới tại Đà Nẵng. Ở Hà Nội, Ly cùng vợ vừa làm tóc, vừa đôn đáo sắp đặt cho tiệc cưới. 600 tấm thiệp mời được in, gần 1.000 suất cỗ cũng đã được đặt. Ở quê, gia đình chú rể cũng khẩn trương dọn dẹp nhà cửa, thuê xe ủi càn khoảng đất trước nhà để dựng rạp cưới.

Kế hoạch ngày cưới là ngày 22-5, nhưng tới giờ chót đã buộc phải hủy. Đà Nẵng và Hà Nội suốt một tháng qua chống dịch, nhiều hoạt động đông người đều hoãn.

Khi biết chắc chắn lễ cưới sẽ phải hủy, Ly cùng vợ gọi điện thông báo hoãn đặt tiệc, hồi lại vé máy bay đã mua cho gia đình bên vợ bay vào Đà Nẵng dự lễ cưới. 10h30 sáng 22-5, hai vợ chồng mừng tủi ôm nhau ngồi nhìn màn hình điện thoại quay cảnh ba mẹ soạn cỗ báo ông bà tổ tiên.

Bà Nguyễn Thị Nga nói rằng năm 2020 đã hai lần lên kế hoạch cưới vợ cho con trai, nhưng buộc phải hoãn lại vì dịch ập đến. Lần thứ 3 này, một lần nữa chuyện trọng đại lại gặp trắc trở.

Đi sắm cỗ cưới bằng… "tem phiếu"

Bà Nga nói rằng do thấy quá trắc trở, trước lễ cưới một ngày Ly gọi điện về và nói nếu không tổ chức đông vui được thì gia đình làm mâm cơm báo ông bà tổ tiên, coi như đó là tiệc cưới của con cháu.

Mừng mừng tủi tủi làm đám cưới qua... điện thoại - Ảnh 2.

Thùng thiệp mời khách dự tiệc cưới của Ly nhưng không thể gửi đi vì dịch - Ảnh: B.D.

"Tui và chồng cũng tính hoãn, nhưng con dâu đang mang bầu tháng thứ 3 rồi. Con trai bảo mẹ xin ông bà tổ tiên giúp con vì hai con cũng coi nhau như vợ chồng từ lâu rồi" - bà Nga kể.

Sáng 22-5, bà Nga dậy sớm, cầm chiếc giỏ nhựa ra chợ. Ngoài tiền bạc, bà Nga còn phải cầm tờ "tem phiếu" là phiếu vào chợ phục vụ chống dịch COVID-19. Mâm cỗ được dọn lên, bà Nga báo ông bà tổ tiên về lễ cưới, xin chứng giám cho đôi vợ chồng trẻ về một nhà, xin ông bà nhận Lý Kim Huế làm con dâu của gia đình.

Mừng mừng tủi tủi làm đám cưới qua... điện thoại - Ảnh 3.

Mâm cơm ba mẹ Ly làm ở gia đình trong ngày cưới con trai - Ảnh: B.D.

Ly kể rằng cùng thời điểm với lễ cưới ở Đà Nẵng, ở Lạng Sơn bố mẹ của Huế cũng soạn mâm cơm xin ông bà tổ tiên nhận anh làm rể. "Tụi em vừa mừng vừa tủi, thấy đám cưới của mình chẳng giống ai mà cũng không ai có thể tưởng tượng ra cảnh đó. Hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc, mong dịch qua đi để mọi thứ bình yên trở lại" - Ly nói.

Đưa dâu qua… màn hình điện thoại

Bà Nguyễn Thị Nga - mẹ Ly - nói rằng giây phút xúc động nhất là khi mâm cơm được đưa xuống khỏi bàn thờ, qua màn hình điện thoại bà nói với Ly, Huế rằng từ đây hai con chính thức là vợ chồng, Huế là con dâu thứ của ba mẹ. "Nếu trên đám cưới người ta lên sân khấu nhận dâu, phát biểu giữa quan viên hai họ thì tôi nói với con qua điện thoại coi như thay lời" - bà Nga nói.

Lễ cưới của Ly hôm đó sau khi làm thủ tục xong thì chỉ có 4 người ngồi vào bàn tiệc: vợ chồng bà Nga, Nguyễn Khắc Như - anh trai của Ly và một đứa cháu. Bố Ly là ông Nguyễn Hiếu nói ông có mời bà con nhưng không ai dám tới vì "sợ con vô vít và tuân thủ phòng chống dịch".

"Sau này hết dịch, em và vợ sẽ cố gắng sắp xếp để làm tiệc nguội mời anh em bạn bè ra mắt một bữa" - Nguyễn Khắc Ly nói.

Chống dịch nơi Chống dịch nơi '12 tầng dốc'

TTO - Nơi chốt kiểm soát phòng chống dịch '12 tầng dốc' Sì Lở Lầu, ở độ cao hơn 1.600m so với mực nước biển, nhiều đêm gió giật mưa xối xả, lá cờ đỏ sao vàng vẫn vững vàng tung bay trên chốt kiểm soát phòng chống dịch.

Nguồn bài viết