Mở cửa lại sau 2 tháng, tiểu thương các chợ Đà Nẵng bất ngờ vì ít khách

3 năm trước 259

Chợ truyền thống ế ẩm sau dịch - Video: ĐOÀN NHẠN

Ghi nhận ngày 7-10, vào giờ cao điểm buổi sáng nhưng khung cảnh các chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ Hòa Khánh, chợ Nại Hiên Đông… ở Đà Nẵng vẫn đìu hiu. 

Sau hơn 2 tháng đóng cửa vì dịch, tiểu thương tại các chợ rất bất ngờ trước tình trạng ế ẩm, vắng khách như hiện tại.

Khác với trước đây, hai vợ chồng bà Tịnh, tiểu thương chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), bán mỗi ngày 2 con heo. Nay chỉ bán chưa đến nửa con mà thịt vẫn dư phải cấp đông. 

Đến hôm sau thì phải bán theo giá thịt đông lạnh. Lấy lời đắp lỗ nên tình trạng buôn bán của bà rất khó khăn. 

Mở cửa lại sau 2 tháng, tiểu thương các chợ Đà Nẵng bất ngờ vì ít khách - Ảnh 2.

Chợ Cồn vào trưa 7-10 chỉ lác đác vài người đi chợ - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Bà Lụa, tiểu thương bán cá ở chợ Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), cho biết người đi chợ chưa đến 1/10 ngày thường. Dù biết dịch bệnh, mọi người cũng hạn chế đi chợ nhưng khách quá vắng khiến ai cũng bất ngờ. 

"Giờ mua món gì đi ra đầu ngõ là có người bán nên chợ vắng cũng là lẽ thường. Chỉ mong cơ quan chức năng chấn chỉnh để chị em buôn bán ổn định và dịch cũng hạn chế lây lan" - bà Lụa nói.

Ở chợ Cồn (quận Hải Châu), khu chợ đông đúc nhất nhì thành phố, cũng chung cảnh ế ẩm. Tiểu thương ngồi đuổi ruồi, xem chương trình trên điện thoại giải trí…

Mở cửa lại sau 2 tháng, tiểu thương các chợ Đà Nẵng bất ngờ vì ít khách - Ảnh 3.

Hàng hóa dồi dào, giá cả bình ổn nhưng chợ vẫn ế khách - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Chị Lan, tiểu thương hàng quần áo ở chợ Cồn, nhìn nhận: "Các quầy thực phẩm còn có vài bóng khách chứ các mặt hàng khác đa phần chị em mở lại vì tốt ngày, bán cho đỡ buồn chứ cả ngày có khi chỉ bán được một món nhỏ".

Theo chị Lan, dịch bệnh kéo dài khiến kinh tế ai cũng khó khăn nên cắt giảm chi tiêu. Những mặt hàng không thiết yếu phải đóng cửa từ ngày 22-7. 

Nhiều quầy bán thực phẩm khô còn bị hư hao. Điều chị Lan và nhiều tiểu thương khác mong muốn là được giảm giá mặt bằng để đỡ phần nào khó khăn.

Theo quy định, chợ truyền thống được hoạt động lại 50% số lượng gian hàng và quầy hàng, các tiểu thương phải được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin ngừa COVID-19. Mỗi hộ gia đình chỉ được đi chợ với tần suất 3 ngày/lần và phải có giấy đi mua hàng.

Mở cửa lại sau 2 tháng, tiểu thương các chợ Đà Nẵng bất ngờ vì ít khách - Ảnh 4.

Cắc mặt hàng không thiết yếu mòn mỏi chờ khách, tiểu thương xem chương trình giải trí qua điện thoại để giết thời gian - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đàm Văn Tẩu - giám đốc Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng - cho biết tình hình dịch bệnh chưa ổn định nên tâm lý người dân e ngại đi chợ.

Theo ông Tẩu, chợ tự phát cũng ảnh hưởng đến sức mua ở chợ truyền thống. Những ngày qua, lực lượng bảo vệ, quản lý chợ đã phối hợp với lực lượng chức năng các phường ra quân dẹp "chợ cóc" và các gánh hàng buôn bán tự phát xung quanh chợ. 

Các chợ cũng mở thêm cổng ra vào để người dân thuận tiện đi lại. Số lượt người vào chợ có cải thiện hơn so với những ngày mới mở lại.

Theo cơ quan chức năng, việc ra quân xử lý tình trạng "chợ cóc", chợ tự phát cũng gặp nhiều khó khăn.

Ông Hồ Tấn Phước - phó chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông (Sơn Trà) - cho biết, để đảm bảo an toàn phòng dịch, kiểm soát thông tin dịch tễ của người mua, phường đã lập các tổ kiểm tra, nhắc nhở, ra mức xử phạt.

Nhưng người dân buôn bán nhỏ lẻ, cứ khi có lực lượng đến thì họ bỏ chạy, đến khi lực lượng đi thì họ quay lại. Người dân cũng tranh thủ thời gian đó để mua các thực phẩm thiết yếu, tiện hơn vào chợ.

Mua bán quanh chợ đầu mối vẫn nhộn nhịp, tiểu thương chưa mặn mà với mở chợ truyền thốngMua bán quanh chợ đầu mối vẫn nhộn nhịp, tiểu thương chưa mặn mà với mở chợ truyền thống

TTO - UBND TP.HCM đã yêu cầu quận, huyện xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán tự phát xung quanh khu vực 3 chợ đầu mối, trong khi đó, nhiều tiểu thương vẫn chưa hào hứng với việc mở lại chợ truyền thống.

Nguồn bài viết