Trên một đoạn đường nằm cách không xa giữa Quảng Nam và Đà Nẵng nhưng giá xăng chênh nhau 200 đồng mỗi lít - Ảnh: B.D.
Quy định áp giá xăng theo khu vực khiến người tiêu dùng và các doanh nghiệp ở các "vùng 2" phải trả tiền nhiều hơn.
Từ nhiều tháng nay, ông Nguyễn Công Thanh, một tài xế đường dài sinh sống ở Quảng Nam, bắt đầu chọn đổ xăng ở cây xăng nằm tại huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), sau khi được biết giá xăng tại Quảng Nam thường cao hơn ở Đà Nẵng khoảng 200 đồng/lít.
"Xe tôi loại 10 tấn, mỗi lần đổ dầu tốn mấy triệu bạc, mỗi lít ở Quảng Nam chênh hơn ngoài Đà Nẵng mấy trăm đồng, nên trên đường vận chuyển hay về nhà, tôi thường tranh thủ ghé cây xăng ở Đà Nẵng để đổ sẽ lợi hơn nhiều, trừ trường hợp hết xăng giữa đường" - ông Thanh nói.
Chúng tôi ghé cây xăng trên quốc lộ 1 nằm ở thôn Bồ Mưng, xã Điện Thắng Bắc (Điện Bàn) và các cây xăng đóng sát ranh giới Quảng Nam - Đà Nẵng ở tuyến đường dẫn từ Đà Nẵng về TP Hội An (Quảng Nam), dù cách nhau chỉ vài bước chân nhưng giá xăng chênh nhau hơn 200 đồng/lít. Với các loại nhiên liệu khác và ở các địa bàn càng cách xa kho xăng dầu (nằm ở "vùng 1"), mức chênh lớn hơn, từ 300 - 500 đồng/lít.
Trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu gần đây nhất, mức giá bán lẻ chênh lệch nhau khá cao giữa các vùng. Theo đó, giá xăng RON 95-V bán ở "vùng 2" cao hơn 460 đồng/lít so với "vùng 1", giá xăng RON 95-III cao hơn 450 đồng/lít, xăng E5 RON 92-II cao hơn 430 đồng/lít. Với dầu, mức chênh cao hơn xăng. Cụ thể, DO 0,001S-V "vùng 2" cao hơn "vùng 1" đến 490 đồng/lít, DO 0,05S-II cao hơn 450 đồng/lít...
Theo một lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, việc chênh lệch giá này là do Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) quyết định với lý do bù đắp chi phí vận chuyển do nằm xa kho bãi và được Bộ Tài chính cho phép. Với sản lượng tiêu thụ khoảng 100 triệu lít xăng dầu mỗi năm, số tiền chênh lệch mà người dân Quảng Nam phải trả lên tới hàng chục tỉ đồng. Tương tự, người dân Thừa Thiên Huế lâu nay cũng phải mua xăng dầu với giá cao hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Châu - đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Quảng Nam - cho rằng mức chênh lệch về giá xăng dầu này là một nghịch lý và tạo áp lực lên các doanh nghiệp. "Khi còn làm ăn được, các doanh nghiệp cũng ít than phiền, nhưng nếu tính cho hết, số tiền phải bỏ ra của một đơn vị là không hề nhỏ. Chúng tôi nhận được rất nhiều kiến nghị, phàn nàn của các doanh nghiệp vận tải" - ông Châu nói.
Theo danh mục địa bàn "vùng 2", do Petrolimex ban hành vào năm 2010 để làm cơ sở áp giá xăng dầu theo, có 42 tỉnh thành thuộc diện "các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu có chi phí cao hơn định mức chi phí cấu thành trong cơ sở" ("vùng 2").
42 tỉnh thành này có giá bán xăng dầu được tăng thêm tối đa không quá 2% so với giá công bố. Đáng chú ý, trong các tỉnh thành được đưa vào "vùng 2" này có nhiều địa phương nằm ngay trên các trục quốc lộ, địa bàn không quá hẻo lánh như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên...