Một số doanh nghiệp Đồng Nai muốn chấm dứt ‘3 tại chỗ’, công nhân đòi về nơi cư trú

3 năm trước 259
Một số doanh nghiệp Đồng Nai muốn chấm dứt ‘3 tại chỗ’, công nhân đòi về nơi cư trú - Ảnh 1.

Doanh nghiệp và người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 mới được trở về nơi cư trú. Trong ảnh: Nhân viên CDC Đồng Nai lấy mẫu tầm soát cho công nhân lao động trên địa bàn TP Biên Hòa - Ảnh: HOÀN LÊ

Tối 5-8, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản hỏa tốc về việc xử lý trường hợp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đề nghị chấm dứt thực hiện phương án lưu trú tại doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 30-7, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong phòng chống dịch, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm". Thời gian áp dụng trong 15 ngày, kể từ 0h ngày 2-8.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH), Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA), hiện nay một số doanh nghiệp trên địa bàn đề nghị chấm dứt thực hiện phương án trên, hoặc người lao động chủ động đề nghị chấm dứt việc lưu trú tại doanh nghiệp để về nơi cư trú.

Đối với trường hợp doanh nghiệp đề nghị chấm dứt thực hiện phương án trên, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu doanh nghiệp báo cáo Sở LĐ-TB&XH, DIZA và UBND các huyện, thành phố nắm thông tin, xử lý theo quy định. 

Sau khi các sở, ngành trên chấp thuận, doanh nghiệp có trách nhiệm xét nghiệm cho toàn bộ lao động. Người lao động chỉ được rời khỏi doanh nghiệp khi có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày và được UBND cấp huyện đồng ý tiếp nhận.

Các doanh nghiệp chỉ được chấm dứt phương án "3 tại chỗ" khi kết quả xét nghiệm không có trường hợp dương tính với COVID-19. Nếu có trường hợp dương tính, yêu cầu doanh nghiệp tuyệt đối không để người lao động tự ý rời khỏi doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp vẫn thực hiện phương án "3 tại chỗ" nhưng người lao động đề nghị không tiếp tục lưu trú tại công ty và có nhu cầu trở về nơi cư trú, doanh nghiệp báo cáo danh sách và kết quả xét nghiệm gửi UBND huyện, thành phố nơi người lao động cư trú. Người lao động được trở về nơi cư trú khi có kết quả xét nghiệm âm tính.

Chủ tịch tỉnh Đồng Nai yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp giấy giới thiệu, kết quả xét nghiệm COVID-19, văn bản tiếp nhận của UBND cấp huyện cho từng người lao động và hướng dẫn họ chuẩn bị các giấy tờ cần thiết để di chuyển qua các chốt kiểm soát trước khi rời công ty.

Người đứng dầu doanh nghiệp chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu cho người lao động về mà không tuân thủ đầy đủ các quy định hoặc để người lao động tự ý rời khỏi doanh nghiệp, nơi tạm trú về địa phương, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu làm lây lan dịch bệnh tại nơi cư trú.

Theo thống kê của DIZA, toàn tỉnh có hơn 1.150 doanh nghiệp đã đăng ký thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm" với khoảng 136.000 lao động tạm trú tại công ty để duy trì sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, thời gian gần đây có hàng chục công ty "3 tại chỗ" xuất hiện F0, một số công ty tạo thành ổ dịch lớn khiến người dân lo lắng, trong đó 2 doanh nghiệp có số lượng lớn lao động mắc COVID-19 đã phải tạm dừng hoạt động.

 Công nhân Đồng Nai: Công nhân '3 tại chỗ' trốn về, lo dịch ở khu trọ

TTO - Sở Y tế Đồng Nai nhận định một số doanh nghiệp từng hoạt động '3 tại chỗ' cho công nhân về hoặc công nhân trốn trở về khi chưa xét nghiệm gây nguy cơ lây lan, bùng phát ổ dịch mới trong các khu nhà trọ.

Nguồn bài viết