Một năm COVID-19 ở Mỹ: Sai lầm tiếp nối, hơn 400.000 ca tử vong

3 năm trước 991
 Sai lầm tiếp nối, hơn 400.000 ca tử vong - Ảnh 1.

Người dân đi qua một trạm xe buýt ở thành phố Denver, bang Colorado. Hai biến thể virus corona đã được phát hiện ở đây - Ảnh: NYT

Gần một năm trôi qua kể từ khi ca nhiễm virus corona đầu tiên của Mỹ được ghi nhận tại thành phố Seattle, bang Washington (ngày 21-1-2020), toàn cảnh bức tranh chống dịch giờ đây đã rõ ràng: Hơn 400.000 ca tử vong, số ca nhiễm, nhập viện và tử vong mỗi ngày đều phá kỷ lục và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Dân số Mỹ chỉ chiếm 4% dân số thế giới, nhưng số ca tử vong vì COVID-19 chiếm đến 20%, trong khi các nước phát triển khác như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc xoay sở giữ được số người chết ở mức thấp.

Trong những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Donald Trump, tình hình càng trở nên bi đát. Có vũ khí vắc xin trong tay nhưng tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ đối mặt với thách thức không hề nhỏ trong những tháng tới.

Nhìn lại năm vừa qua, bi kịch của nước Mỹ có lẽ bắt đầu cuộc đua tái mở cửa nền kinh tế hồi mùa hè năm 2020, bất chấp mọi lời khuyên và phản đối của các nhà khoa học.

"Khoảnh khắc cơ hội bị đánh mất"

Theo báo New York Times, hai tháng đầu năm 2020, nước Mỹ thất bại trong việc thành lập mạng lưới xét nghiệm và truy vết virus corona, trong khi nhiều nước chống dịch thành công cũng nhờ hành động nhanh và dứt khoát ở giai đoạn này.

Thế rồi, số ca nhiễm lặng lẽ bùng nổ ở bang New York. Thống đốc Andrew Cuomo và thị trưởng New York Bill de Blasio lãng phí những ngày quý báu trước khi chịu quyết định đóng cửa trường học và cơ sở kinh doanh.

Các nhà nghiên cứu nói hàng ngàn sinh mạng có thể đã được cứu chỉ riêng ở đại đô thị New York nếu các biện pháp chống dịch được áp dụng sớm hơn một tuần. Hậu quả của sai lầm này là đến tận bây giờ, New York và New Jersey luôn dẫn đầu cả nước về tỉ lệ tử vong do virus corona.

Đến giữa tháng 4-2020, sau khi chứng kiến cảnh tượng như một bộ phim tận thế ở New York, hầu hết tiểu bang của Mỹ phải ban bố lệnh "ngồi yên ở nhà" để tránh thảm họa. Thời điểm đó, Mỹ đã có khoảng 30.000 người chết nhưng tâm dịch chủ yếu chỉ tập trung ở vùng Đông bắc.

Ở giai đoạn này, các chuyên gia cho rằng Mỹ vẫn còn cơ hội kiểm soát tình hình nếu chịu đầu tư cho xét nghiệm, truy vết, và cố gắng vượt qua những ngày phong tỏa cho đến khi khoanh vùng hết ca nhiễm. Thực tế thì không, Mỹ chỉ thực hiện khoảng 1/3 lượng xét nghiệm cần thiết.

Trong hoàn cảnh đó, Tổng thống Donald Trump liên tục công khai khuyến khích các bang mở cửa trở lại. Ngày 16-4, ông đẩy hết trách nhiệm chống dịch cho các thống đốc bang.

"Các ông sẽ tự ra quyết định chuyện này" - ông Trump nói khi đó.

 Sai lầm tiếp nối, hơn 400.000 ca tử vong - Ảnh 2.

Nhiều người Mỹ không quan tâm, thậm chí không tin những thông tin về virus corona - Ảnh: NYT

Bây giờ nhìn lại, các chuyên gia Mỹ nhận xét thời điểm cuối tháng 4-2020 chính là bước ngoặt dẫn đến hiện tại. "Đó là khoảnh khắc cơ hội bị đánh mất" - ông Jeffrey Shaman, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Đại học Columbia, mô tả.

Trong cơn hối hả hồi sinh nền kinh tế, nhiều thống đốc ra quyết định thiếu suy xét, phớt lờ lời can ngăn của giới chức y tế và lãnh đạo địa phương. Thông tin này hoàn toàn công khai trong các tài liệu mở của chính quyền Mỹ, bên cạnh lời kể của chính người trong cuộc.

Ở Iowa, một ngày tháng 4-2020, bác sĩ Nafissa Cisse Egbuonye - giám đốc y tế Hạt Black Hawk, choáng váng chứng kiến các công nhân làm việc san sát nhau trong một nhà máy chế biến thịt, rất ít người mang khẩu trang.

Trong nhiều tuần, bà đã khẩn cầu văn phòng thống đốc đóng cửa những cơ sở dạng này mà không lời hồi đáp. Quả thật sau đó hơn 1.000 công nhân của nhà máy bị nhiễm bệnh, ít nhất 5 người chết. Cả nhà máy rốt cuộc cũng phải đóng cửa.

Ở Colorado, South Carolina... chuyện cũng tương tự, lời can gián của các bác sĩ đều bị bỏ ngoài tai. "Tôi sẽ không đứng bên cạnh ông thống đốc nếu không được nói ra sự thật", bác sĩ Linda Bell ở South Carolina, nổi cáu và cúp máy trong một cuộc gọi điện sáng Chủ nhật.

Có lẽ không chỗ nào mà hậu quả hiển hiện rõ như bang Texas. Ngày 1-5-2020, Thống đốc Greg Abbott bất chấp lời khuyên mở cửa lại nhà hàng, cửa hiệu, rạp chiếu phim... chỉ trong một tháng toàn bộ nền kinh tế vận hành trở lại như chưa có chuyện gì xảy ra.

Mọi thứ đến rất nhanh. Từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 7-2020, số ca nhiễm ở Texas tăng cả chục lần, từ 1.000 ca lên đến 10.000 ca mỗi ngày. "Cứ như một đám cháy rừng không gì cản nổi" - bác sĩ Jose Vazquez, quan chức y tế Hạt Starr ở Texas, mô tả.

Số ca tử vong tiếp tục tăng vọt trong suốt thời gian còn lại của mùa hè. Bệnh viện quá tải, bác sĩ Vazquez chỉ biết đứng nhìn từng chiếc trực thăng đáp xuống Hạt Starr để chở bệnh nhân đi nơi khác, xa đến tận Oklahoma và New Mexico.

Rất ít người trên các chuyến bay đó sống sót trở về nhà.

 Sai lầm tiếp nối, hơn 400.000 ca tử vong - Ảnh 3.

Dân Mỹ tụ tập bên ngoài một quán bar ở Texas sau lệnh đóng cửa để chống dịch năm ngoái - Ảnh: NYT

Mệt rã rời, bị đe dọa và phớt lờ

Mùa hè. Thay vì là khoảng thời gian dễ thở chuẩn bị cho mùa đông khó khăn, số lượng bệnh nhân COVID-19 nhập viện ở Mỹ gần chạm mức kỷ lục của mùa xuân.

Trên cả nước, các y bác sĩ vừa chăm sóc bệnh nhân, vừa đương đầu với thị phi xã hội.

Bác sĩ Amber Elliott - cựu giám đốc y tế Hạt St. Francois (bang Missouri), kể bà nhận được nhiều cuộc gọi lạ chửi mắng thậm tệ. Kẻ nào đó còn lén chụp hình gia đình bà xem trận đấu bóng chày của cậu con trai và đăng lên mạng.

Chịu không nổi áp lực, bác sĩ Elliott xin từ chức. "Nó không đáng để hi sinh an toàn của các con tôi. Anh không thể chờ đến khi quá trễ mới dừng lại", bà tâm sự.

Ở Wisconsin, bác sĩ Jeanette Kowalik và các đồng nghiệp căng thẳng vì thiếu vật tư y tế, trong khi mọi người đã phải làm việc đến 20 tiếng mỗi ngày do bệnh nhân quá đông.

Vào một thời điểm, bà Kowalik gửi cầu cứu đến Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC), nhưng phải chờ 6 tuần mới nhận được phản hồi.

Cuộc vật lộn cứ thế âm ỉ đến mùa thu. Ông Donald Trump vẫn xuất hiện đều trên mặt báo khẳng định "con virus sẽ sớm biến mất", nhưng tài liệu cho thấy nội bộ Nhà Trắng hiểu rõ khủng hoảng đang lan rộng.

Theo nội dung loạt văn bản chưa công bố báo New York Times thu thập, nhóm tác chiến COVID-19 của Nhà Trắng đã lặng lẽ hối thúc các tiểu bang siết chặt chống dịch.

Họ khuyến nghị Alaska, Georgia, Wyoming ra quy định đeo khẩu trang, các bang Alabama, Louisiana và Missisippi thì được khuyên nên giới hạn tụ tập ăn uống...

Nhưng các bang nói trên - tổng cộng 26 tất cả - phớt lờ mọi lời khuyên từ Nhà Trắng bất chấp thực tế số ca nhiễm liên tục tăng.

Ở bang Wyoming, bác sĩ Ed Zimmerman - quan chức y tế Hạt Washakie, chứng kiến cộng đồng của ông bị đủ thứ thuyết âm mưu xâm nhập, có ý kiến còn nói nỗi sợ hãi bị thổi phồng "để phá hoại chiến dịch tái tranh cử của ông Trump".

Một tuần sau khi ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang, bác sĩ Zimmerman bị sa thải.

 Sai lầm tiếp nối, hơn 400.000 ca tử vong - Ảnh 4.

Bản đồ dịch COVID-19 ở Mỹ tính đến ngày 8-1 toàn một gam màu đậm - Ảnh: NYT

Một mùa đông đen tối

Sau một năm ồn ào vì chia rẽ chính trị và chống dịch thiếu hiệu quả, virus corona giờ đã lan đến mọi ngóc ngách của nước Mỹ.

Những ngày gần đây, lây nhiễm tăng tốc gần như ở mọi tiểu bang, kéo theo là số người chết. Từ Arizona đến Connecticut, thậm chí New York - nơi trở thành hình mẫu chống dịch sau giai đoạn đầu, cũng đang chứng kiến ca nhiễm bùng nổ.

Mùa đông luôn là thời điểm virus nguy hiểm nhất, nhưng dân Mỹ ở nhiều nơi dường như đã quá mệt mỏi vì dịch bệnh khiến các biện pháp giãn cách chẳng còn mấy hiệu quả.

Chỉ mới bước qua năm 2021 nhưng 5 ngày chết chóc nhất trong suốt đại dịch đều nằm trong tháng này. Thời điểm tồi tệ nhất với nước Mỹ có lẽ vẫn còn phía trước.

Các nước đôn đáo mua vắc xin ngăn COVID-19 và biến thể mớiCác nước đôn đáo mua vắc xin ngăn COVID-19 và biến thể mới

TTO - Trong khi Brazil phê chuẩn sử dụng khẩn cấp 2 loại vắc xin của Anh và Trung Quốc, châu Phi đôn đáo tìm mua vắc xin để ngăn chặn biến thể mới của SARS-CoV-2.

Nguồn bài viết