Một mình trong ký túc xá, tôi làm gì để vượt qua mùa dịch?

3 năm trước 505
Một mình trong ký túc xá, tôi làm gì để vượt qua mùa dịch? - Ảnh 1.

"Tuổi trẻ thích đi đây đi đó, nhưng đợt dịch này tôi rèn cho mình sự kiên nhẫn" - Ảnh minh họa: NAM TRẦN

Từ 0h ngày 18-7, Sở Giao thông vận tải Hà Nội tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ từ Hà Nội đến 37 tỉnh/thành phố và ngược lại. Tỉnh Hà Tĩnh quê tôi cũng nằm trong diện đó. Đường về quê của tôi lại càng xa hơn.

"Trong đợt dịch, sinh viên không về quê, không đi làm thêm được thì ở phòng làm gì?

- Hà Nội lại có thêm ổ dịch mới rồi mẹ ạ. Con chắc phải ở ngoài thêm thời gian nữa, rồi mới về quê được.

- Thì ở lại đó, thực phẩm mẹ gửi lên cho. Con cứ yên tâm ở đó chống dịch cùng cả nước, chứ về bây giờ cũng bị cách ly thôi".

Lời động viên của mẹ khiến tôi vừa buồn, vừa nhớ, nhưng tiếp thêm động lực để ở lại ký túc xá.

Bạn bè cùng phòng ở các tỉnh lân cận Hà Nội đã về quê nghỉ hè cùng gia đình. Tôi một mình ở lại nơi căn phòng này, các phòng xung quanh các bạn cũng về nhiều, chỉ còn lại lác đác người. Cả dãy ký túc xá bình thường náo nhiệt, nay vắng vẻ lạ thường. Thỉnh thoảng có tiếng hát từ dãy nhà sinh viên người Lào ở.

Vì những đợt dịch trước tôi cũng ở lại, một phần vì nhà xa, đi lại tốn kém, một phần về nhà cũng phải cách ly, gây lo lắng cho những người xung quanh. Và tôi biết được rằng mình ở một chỗ là đang góp một phần nhỏ công sức cho đất nước, khi ở tuyến đầu lực lượng phòng chống dịch đang ngày đêm vất vả.  

Tôi đã làm gì để vượt qua mùa dịch nơi đất khách quê người và với 4 bức tường của ký túc xá?

Dù tuổi trẻ rất cuồng chân, thích đi đây đi đó, trong đợt dịch này tôi dường như đã rèn luyện được sự kiên nhẫn của mình. Mọi thứ làm không bốc đồng, vội vàng như xưa, mà tính toán một cách hợp lý để tránh ảnh hưởng đến người khác.

Tôi thiết kế lịch sinh hoạt trước, và thực hiện một cách có kỷ luật hơn. Sáng thức dậy, 7h ăn sáng bằng những đồ ăn chuẩn bị nhanh như bánh mì, bánh bao, sau đó đọc báo, nghe podcast và học tiếng Anh.

Thời gian này tôi dành thời gian học thêm ngoại ngữ mới là tiếng Hàn, đồng thời trau dồi thêm vốn tiếng Anh. Tôi học trên YouTube là chủ yếu. Ở đó có nguồn kiến thức bất tận, bạn có thể chọn được kênh phù hợp với trình độ.

Đặc biệt, từ đợt dịch trước, tôi đã rèn luyện thói quen tập thể dục đều đặn. Tôi mua thêm chiếc thảm yoga rồi tập theo các bài tập trên YouTube. Cộng thêm chế độ ăn lành mạnh, đủ bữa, tôi đã có thể giảm được 2kg. Đây là thành quả mà tôi thấy tự hào nhất. 

Tập thể dục giờ không chỉ để giảm cân nữa, mà là để rèn luyện sức khỏe, tăng sức đề kháng cho cơ thể, đồng thời giúp giảm căng thẳng rất tốt. Vì vậy, đợt dịch đã giúp thói quen tôi thay đổi rất nhiều theo hướng tích cực hơn.

Điều quan trọng nhất là luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào những điều tốt đẹp ở phía trước. Cập nhật thông tin cũng tốt, nhưng nên cập nhật những thông tin tích cực, hạn chế đọc những tin buồn, chọn lọc thông tin để không bị dắt mũi và không cảm thấy quá bội thực thông tin.

Mỗi ngày tôi gọi điện về nhà 1 lần, vừa để báo cáo mình vẫn rất ổn, vừa giúp mình đỡ nhớ nhà hơn, chỉ cần thấy mọi người bình an là yên tâm rồi.

Nhiều người sẽ chọn những cách để "sống chung với dịch" một cách vui vẻ như nấu ăn, chăm cây, chơi với thú cưng và đặc biệt dành nhiều thời gian hơn cho gia đình yêu thương. Chúng ta cùng đồng lòng thì đất nước sẽ nhanh khỏe lại và người dân có thể tận hưởng cuộc sống tự do như xưa. Sẽ sớm thôi, Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch. 

Mời bạn chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online cách nâng chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình, bạn bè khi ở nhà mùa dịch, từ việc học tập, thể thao, giải trí... Bài viết không quá 800 chữ, có thể kèm ảnh và video. Email gửi về [email protected]. Bạn đọc vui lòng cung cấp thông tin tài khoản và mã số thuế để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Con quen đi chơi, tôi bày trò trong nhà để con giải tỏa năng lượngCon quen đi chơi, tôi bày trò trong nhà để con giải tỏa năng lượng

TTO - 'Mẹ ơi cho con ra ngoài chơi đi!', các con van nài vì ở trong nhà quá lâu khi thành phố bước vào giãn cách xã hội. Tôi và chồng phải liên tục tìm nhiều cách để con quên đi mong muốn được ra ngoài.

Nguồn bài viết