Một chuyến 'tuần rừng' trong đại ngàn Pù Huống

1 tuần trước 3
Chú thích ảnhCán bộ kiểm lâm tại Trạm quản lý bảo vệ rừng Nga My (Hạt kiểm lâm Pù Huống, thuộc Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống) và thành viên Tổ bảo vệ đi tuần tra rừng. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Vất vả bám rừng

Sau quá trình di chuyển trên con đường đất lắm dốc cao, chúng tôi đến được bản Xốp Kho. Từ đây, để vào sâu được vùng lõi của đại ngàn, mọi người phải bỏ lại xe máy bên khe suối rồi đi bộ, “cắt rừng” và ngược dòng Nậm Kho. Lòng suối mùa cạn lổn nhổn đá, trơn trượt do rêu bám. Hành trình di chuyển ai cũng thấm mệt, quần áo ướt sũng mồ hôi.

Ông Nguyễn Viết Phòng, Trạm phó Trạm quản lý bảo vệ rừng Nga My chia sẻ: Diện tích khu bảo tồn quản lý có 6 bản của 2 xã Nga My, Xiêng My nằm trong vùng lõi, 100% là đồng bào Thái, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi và rừng nên rừng đặc dụng có những áp lực, nguy cơ xâm hại. Công tác tuần tra, kiểm tra rừng là nhiệm vụ chính và thường xuyên của Trạm nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi tác động đến tài nguyên rừng như chặt phá cây làm nương rẫy, lấn chiếm đất rừng, săn bắn, bẫy động vật… Đại ngàn Pù Huống có địa hình chia cắt phức tạp, tạo nên nhiều khe suối sâu, nhiều dãy núi đá nguy hiểm và dốc nên việc đi tuần tra rất vất vả.

Sau thời gian nghỉ ngơi tiếp sức, chúng tôi nhằm hướng bản Na Ngân để di chuyển. Con đường đất độc đạo lắm dốc cao, vực sâu, chạy dọc sườn núi Pù Hiêng, vắt lưng chừng núi rồi len lỏi dưới tán rừng sâu hun hút cứ hẹp dần. Hiểm nguy nhất là những đoạn đường hẹp chỉ vừa một lối đi men theo lèn đá, phải thật thận trọng khi di chuyển qua.

Chú thích ảnhTổ tuần tra, bảo vệ rừng thuộc Trạm quản lý bảo vệ rừng Nga My (Hạt Kiểm lâm Pù Huống) di chuyển theo suối trên đường tuần tra rừng. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Anh Trịnh Duy Hưng, cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng Nga My tâm sự: "Có những chuyến tuần tra kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Việc ngủ nghỉ, sinh hoạt, ăn uống phải tự túc trong điều kiện khó khăn, vất vả. Khi đi “tuần rừng”, chúng tôi phải mang theo lương thực, thực phẩm, thuốc men và đồ đạc, vật dụng cần thiết. Những ngày gặp mưa, hành trình tuần tra càng vất vả, khó nhọc hơn và có nhiều hiểm nguy vì đối diện với mưa đá, giông lốc, nước lũ… Đêm ngủ ở rừng rất lạnh, phải thực hiện biện pháp giữ nhiệt cho cơ thể và ngăn chặn côn trùng tấn công. Có nhiều chuyến đi kéo dài thời gian, anh em phải nhường nhịn, chia nhau nguồn lương thực, thực phẩm dự trữ còn lại rất ít ỏi. Phải thật sự yêu rừng, yêu nghề thì mới “bám rừng”, hoàn thành những chuyến đi như vậy".

Những năm qua, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và người dân đã đồng hành, chung tay thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ đại ngàn Pù Huống - một trong ba vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.

Chú thích ảnhSử dụng thiết bị GPS trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Ông Bùi Hữu Sỹ, Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Nga My cho biết: Trạm được giao quản lý vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống bao gồm 16 tiểu khu với tổng diện tích hơn 15.360 ha trên địa bàn 2 xã Nga My và Xiêng My, với 16 tiểu khu. Rừng đặc dụng Trạm quản lý tiếp giáp rừng phòng hộ xã Yên Tĩnh (huyện Tương Dương), rừng đặc dụng các xã Diên Lãm, Châu Hoàn (huyện Quỳ Châu), xã Quang Phong (huyện Quế Phong), xã Bình Chuẩn (huyện Con Cuông). Đây là khu vực có nhiều diện tích rừng nguyên sinh chứa đựng hệ sinh thái đặc thù của dải Bắc Trường Sơn, có độ đa dạng động, thực vật khá cao với nhiều loài nguy cấp, quý hiếm; là mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái rừng đặc dụng Pù Huống kết nối với Vườn quốc gia Pù Mát và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, tạo thành vành đai xanh Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.

Chung tay bảo vệ đại ngàn

Chú thích ảnhTổ tuần tra, bảo vệ rừng thuộc Trạm quản lý bảo vệ rừng Nga My (Hạt Kiểm lâm Pù Huống) xác định tọa độ thực địa trong vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9/2007. Khu bảo tồn có diện tích hơn 46.460 ha, trải rộng trên 15 xã thuộc 5 huyện miền núi Nghệ An, trong đó có hơn 40.000ha rừng đặc dụng. Tại đây có gần 570 loài động vật, trong đó có 69 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, 51 loài nằm trong Danh lục đỏ (IUCN) 2020 và 36 loài nằm trong Công ước CITES; có hơn 1.800 loài thực vật, trong đó có 76 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 15 loài nằm trong Danh lục đỏ IUCN 2020.

Đại ngàn Pù Huống hiện nay độ che phủ hơn 98 %. Hệ sinh thái thảm thực vật rừng đặc trưng điển hình với 2 kiểu rừng: Rừng á nhiệt đới núi thấp và rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới. Đặc biệt rừng rất đa dạng về sinh cảnh, sinh học, phong phú loài. Trong rừng có nhiều loài thực vật quý hiếm như: Lim xanh, pơmu, sa mu dầu, mun, gõ đỏ, trầm hương, kim giao, sến mật, táu mật… Các loài động vật quý, hiếm như: Khỉ mặt đỏ, rùa núi viền, gà lôi trắng, cu li, vượn đen tuyền, vượn đen bạc má, voọc xám, trĩ sao…

Ông Bùi Hữu Sỹ cho biết thêm: Thời gian qua, Trạm quản lý bảo vệ rừng Nga My và chính quyền, các ban ngành trên địa bàn 2 xã Nga My, Xiêng My đã triển khai các kế hoạch, thực hiện các giải pháp bảo vệ khu bảo tồn như: Tăng tuần suất tuần tra, kiểm soát rừng; đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về công tác phòng, chống cháy rừng; ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng; nghiêm cấm, trấn áp các loại tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, buôn bán vận chuyển lâm sản, săn bắn, bẫy động vật rừng quý hiếm...

Trong điều kiện khó khăn, vất vả và áp lực từ những phong tục tập quán của người dân bản địa, cán bộ kiểm lâm của Trạm luôn bám rừng, bám địa bàn, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong công tác quản lý bảo vệ rừng cho người dân, nhất là cộng đồng dân cư sinh sống trong những bản vùng đệm rừng đặc dụng; thực hiện các chương trình dự án lâm nghiệp và các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành để triển khai đến với người dân nhằm nâng cao đời sống.

Cũng theo ông Bùi Hữu Sỹ, nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng được nâng lên rõ nét trong nhiều năm qua. Người dân đã hiểu được vai trò, tầm quan trọng của rừng và luôn đồng hành, chung tay cùng lực lượng kiểm lâm trong việc quản lý, bảo vệ rừng. 

Chú thích ảnhNgười dân xã Xiêng My (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) ký cam kết bảo vệ rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Anh Vi Văn Hải, ở bản Xốp Kho, xã Nga My cho biết: Cả bản Xốp Kho hiện thành lập được 10 tổ quản lý, bảo vệ rừng. Các tổ cũng mua thêm trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ như bình chữa cháy để sử dụng khi có cháy xảy ra. Người dân trong bản luôn được các cán bộ, kiểm lâm trực tiếp xuống địa bàn tuyên truyền, phố biến về Luật Lâm nghiệp, kỹ năng phòng, chống cháy rừng, xây dựng quy chế quản lý tài nguyên rừng bền vững...

Ông Ngân Văn Trọng, Trưởng bản Khe Quỳnh, xã Xiêng My thông tin thêm: "Người dân trong bản luôn nhận thức việc bảo vệ rừng là rất quan trọng. Vì vậy chúng tôi luôn thực hiện nghiêm quy định không chặt phá, xâm hại rừng, không săn bắt động vật trong rừng. Mùa nắng nóng, khô hanh thì tuyệt đối không được sử dụng lửa trong rừng".

Ông Lương Tuấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An nhấn mạnh: Chính quyền địa phương luôn đồng hành trong công tác tuần tra bảo vệ rừng cùng đơn vị chủ rừng; tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức thực hiện nghiêm luật bảo vệ rừng và triển khai các dự án lâm nghiệp mà Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống thực hiện trên địa bàn để tạo sinh kế bền vững cho người dân; đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi săn bắt trái phép động vật hoang dã; phân công cán bộ phụ trách cơ sở tuyên truyền các phương án phòng, chống cháy rừng và hướng dẫn người dân sản xuất trên khu vực được phép luân canh.

Nguồn bài viết