Một chiếc nút làm chậm cả lô áo xuất khẩu

2 năm trước 144
Một chiếc nút làm chậm cả lô áo xuất khẩu - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp dệt may chủ động nguồn nguyên liệu nội địa, song vẫn chịu ảnh hưởng do tiến độ giao một số phụ liệu từ Trung Quốc chậm trễ - Ảnh: NGỌC HIỂN

Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất đang gặp khó khăn bởi nguyên liệu vừa đội giá, vừa thiếu trong khi chi phí vận chuyển cao hàng chục lần so với bình thường. 

Để cầm cự giai đoạn này, các doanh nghiệp buộc phải chuyển sang tìm kiếm nguồn nguyên liệu nội địa hoặc các nước trong khu vực, thương thảo lại giá đầu ra đối với các đối tác và giãn tiến độ giao hàng.

Nguyên liệu thiếu, giá tăng hàng chục lần

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các thiết bị điện cho các dự án trong nước và xuất khẩu, thời gian qua Công ty Cát Vạn Lợi gặp khó khi một số nguyên vật liệu nhập khẩu đã đội giá quá cao. Doanh nghiệp như "ngồi trên lửa" vì nguyên liệu nhập khẩu thiếu, giá tăng vọt cộng với cước vận chuyển vừa cao, thời gian giao hàng chậm nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.

Ông Lê Mai Hữu Lâm, tổng giám đốc Công ty Cát Vạn Lợi, cho biết dù đã chủ động đến 80% nguồn nguyên liệu trong nước, doanh nghiệp này vẫn phải nhập khẩu một số kim loại từ Trung Quốc nên việc tăng giá nguyên vật liệu này ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất.

Cụ thể, một số nguyên liệu đã tăng giá "khủng khiếp" như inox đã tăng tới 10 lần, kẽm, nhôm... cũng tăng giá gấp đôi. Không những thế, giá cước vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam vẫn neo ở mức cao là 1.200 USD/container trong khi trước đây chỉ khoảng 250 USD/container. 

"Chi phí cao đã đành nhưng tiến độ giao hàng lại hoàn toàn phụ thuộc vào hãng vận chuyển. Trước đây hàng về trong 4 tuần thì nay lên tới 6 - 8 tuần hàng mới cập cảng Việt Nam, các chi phí từ cảng về nhà xưởng cũng đội lên", ông Lâm nói.

Ngành sản xuất thiết bị điện tử cũng đối diện với những khó khăn khi nguồn linh kiện tăng giá và giao hàng trễ tiến độ.

Ông Đặng Công Bình, giám đốc Công ty TNHH điện tử DLG Ansen, cho biết các biện pháp chống dịch tại Trung Quốc nghiêm ngặt dẫn đến một số loại linh kiện về Việt Nam trễ 2 - 3 tháng, trong khi giá tăng khoảng 30%.

Theo ông Bình, công ty đã lên kế hoạch sản xuất đơn hàng cho cả năm 2022 nhưng linh kiện về chậm dẫn đến việc sản xuất của nhà máy tại Khu công nghệ cao TP.HCM bị ảnh hưởng, tiến độ giao hàng cũng chịu tác động.

Ông Bình nhận định trong các tháng cuối năm, khối lượng công việc sẽ dồn lên, gây áp lực sản xuất cho nhà máy. "Trong khi nguyên liệu đầu vào tăng cao và chi phí vận chuyển cũng đội lên gấp nhiều lần, chúng tôi đã thương thảo với các đối tác châu Âu, họ cũng chia sẻ khó khăn nhưng chỉ tăng được giá mua 5-8%", ông Bình chia sẻ.

Vừa lo nguyên liệu, vừa đàm phán tăng giá bán

Là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, hiện không ít doanh nghiệp ngành gỗ cũng đang đối diện với khó khăn khi nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu đều tăng giá.

Ông Huỳnh Quang Thanh, phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam, tổng giám đốc Công ty TNHH chế biến gỗ Hiệp Long, cho biết giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu đã tăng 30-40%, cá biệt có một số loại tăng 50-60% so với thời điểm trước dịch.

Không chỉ tăng giá, nguồn hàng mua về cũng gặp khó khi các thị trường Ukraine và Nga "đứt" nguồn cung, buộc các doanh nghiệp nhập khẩu hai thị trường này phải thay đổi sang các thị trường khác. Ngoài ra, giá cước vận chuyển tàu biển quốc tế dù đã hạ nhiệt song vẫn neo ở mức cao. 

Trung bình từ Việt Nam sang Mỹ giá mỗi container dao động từ 11.000 - 12.000 USD, đỉnh điểm lên đến 18.000 USD, trong khi giai đoạn trước dịch chỉ ở mức dưới 1.200 USD. "Đầu vào tăng như vậy nhưng đàm phán tăng giá bán là rất khó khăn, tối đa chỉ được 15%, nếu tăng quá khách hàng khó chấp nhận", ông Thanh giải thích.

Lãnh đạo một doanh nghiệp may mặc tại TP.HCM cho biết hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất như vải từ Trung Quốc đều chịu ảnh hưởng mạnh khi nguồn nguyên liệu đầu vào gặp khó dẫn đến việc xuất hàng cũng chậm tiến độ. Ngay cả với các doanh nghiệp đã chủ động nguồn nguyên liệu nhưng vẫn phải nhập một số phụ liệu từ Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng theo.

Ông Trần Như Tùng, chủ tịch HĐQT Công ty CP dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công, cho biết doanh nghiệp này chủ động nguồn nguyên liệu tự sản xuất, song một số phụ liệu như dây kéo, nhãn mác, nút áo... phải mua bên ngoài. 

"Một chiếc áo đã hoàn thành nhưng thiếu nút hay thiếu nhãn thì không thể xuất xưởng được. Thời gian qua đơn hàng giao đi chậm tiến độ là do khâu phụ liệu hàng về chậm quá, chúng tôi phải lùi đơn hàng, ảnh hưởng đến 10-15% doanh thu", ông Tùng nói.

Ông Phạm Văn Việt, tổng giám đốc Việt Thắng Jeans, cho biết do khó nhập từ Trung Quốc, các doanh nghiệp buộc phải chuyển đơn vị cung ứng về Việt Nam như Nhật, Hàn Quốc, Indonesia... để thay thế, chấp nhận chi phí cao hơn để giữ dây chuyền sản xuất.

100 container hạt điều Việt xuất khẩu 100 container hạt điều Việt xuất khẩu 'suýt mất trắng' đã về với khổ chủ

TTO - Ngoài 12/35 container hàng mà các doanh nghiệp Việt Nam đã giành được quyền kiểm soát hồi đầu tháng 4 vừa qua, toàn bộ 23 container hàng còn lại đều được tòa trả lại cho các công ty Việt Nam.

Nguồn bài viết