Nhiều tàu cá ở Thanh Hóa nằm bờ do giá dầu tăng cao - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Tại hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản năm 2022 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 22-3, ông Nguyễn Văn Trung, vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cho biết năm 2021, giá nhiên liệu tương đối ổn định, nhu cầu nhập khẩu hải sản của các nước trên thế giới trong những tháng cuối năm tăng trở lại tác động tích cực đến hoạt động khai thác thủy sản góp phần khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế cho hoạt động khai thác.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, kênh phân phối sản phẩm thủy sản bị gãy khúc, gián đoạn ở nhiều thị trường xuất khẩu; giá bán sản phẩm khai thác chất lượng cao phục vụ nhà hàng giảm sâu.
"Đặc biệt là chiến sự Nga - Ukraine đẩy giá dầu thế giới tăng cao trong 2 tháng đầu năm 2022, kéo theo giá dầu trong nước tăng. Bình quân 1 tháng, tàu cá tiêu thụ hết 330 triệu lít đầu, trước đây thì tương đương 6.600 tỉ đồng.
Với giá hiện nay thì tốn khoảng 8.000 tỉ đồng, trung bình mỗi tháng mất thêm khoảng 1.400 tỉ đồng, đây là khó khăn cực kỳ lớn. Vì vậy, khoảng 7.000 tàu cá xa bờ và 3.000 tàu ven bờ phải nằm bờ" - ông Trung nói.
Theo ông Trung, dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới, gây khó khăn lớn đến hoạt động khai thác thủy sản.
"Theo phản ánh của các chủ tàu cá và các địa phương thì với giá dầu như hiện nay thì khi tàu về bờ kết thúc chuyến biển đầu năm thì sẽ có nhiều tàu phải tạm ngưng hoạt động do giá thu mua các mặt hàng thủy sản khai thác từ đầu năm đến nay không tăng, có loài hải sản giá lại thấp hơn cùng kỳ năm 2021" - ông Trung cho biết thêm.
Năm 2022, ngành thủy sản tiếp tục điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác để tăng giá trị sản xuất đối với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng.
Ngành thủy sản cũng đặt mục tiêu đạt nuôi trồng và khai thác đạt 8,7 triệu tấn thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu đạt 8,7 tỉ USD, trong đó xuất khẩu các mặt hàng hải sản chiếm từ 37-39%.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng để đạt được mục tiêu trước mắt và lâu dài cho ngành thủy sản, Tổng cục Thủy sản cần khẩn trương cơ cấu lại đội tàu, cơ cấu nghề, quản lý đội tàu gắn với truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình, hằng tháng gửi ban chỉ đạo các tỉnh và triển khai quy hoạch bảo tồn khai thác. Các địa phương phải xử lý nghiêm hành vi vi phạm khai thác IUU.
"Phát triển hạ tầng cảng cá là nhiệm vụ cốt lõi. Tuy nhiên, cảng cá cấp 2, 3, các tỉnh phải bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp, không chờ trung ương. Đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân phải triển khai gấp rút.
Để giảm số lượng tàu, giảm sản lượng khai thác thì các tỉnh phải hỗ trợ làm bệ đỡ cho ngư dân chuyển đổi nghề. Cần tập trung vào giá trị gia tăng, hiệu quả chế biến, tránh thất thoát hải sản sau đánh bắt" - ông Tiến nhấn mạnh.