Người dân theo dõi cuộc họp trực tuyến giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden qua video tại một nhà hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 16-11 - Ảnh: REUTERS
Khi bắt đầu cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên với Tổng thống Mỹ Joe Biden sáng 16-11 (theo giờ Bắc Kinh), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi ông Biden là "lão bằng hữu" (bạn cũ).
Theo Hãng tin Reuters, tại Trung Quốc, cụm từ "lão bằng hữu" (lao peng you) thể hiện sự yêu mến cũng như cho thấy sự quen thuộc và tin cậy.
Ông Tập (hiện tại 68 tuổi) từng có cuộc trò chuyện nhiều giờ và đi tham quan tại tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc cùng ông Biden (hiện tại 78 tuổi) vào tháng 8-2011. Lúc đó họ đều chưa giữ trọng trách cao nhất của đất nước như hiện nay.
Ông Vương Huy Diệu (Wang Hui Yao), chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa (CCG), bình luận việc ông Tập sử dụng cách nói "lão bằng hữu" trong cuộc họp thể hiện thiện chí thật sự.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bước vào cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden sáng 16-11 (theo giờ Bắc Kinh) - Video: CCTV
Tuy nhiên, có thể cách nói như trên của ông Tập chỉ nhằm gây sự chú ý ở phần khai mạc cuộc gặp. Ông Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ chuyên về châu Á dưới thời cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, cho rằng ông Tập cố tình gọi như vậy.
"Ông Tập cố tình chào ông Biden là 'bạn cũ của tôi', sau khi ông Biden phủ nhận họ là 'bạn bè' vào mùa hè năm nay. Còn ông Biden, với một nụ cười rạng rỡ, nhắc nhở ông Tập rằng mọi quốc gia - gồm cả Trung Quốc - phải chơi theo cùng một luật lệ" - ông Daniel Russel nói.
Giáo sư quan hệ quốc tế Thời Ân Hoằng (Shi Yin Hong) tại Đại học Nhân dân ở Trung Quốc cũng lưu ý ông Tập vẫn sử dụng cách nói "lão bằng hữu" mặc dù quan hệ giữa hai nước căng thẳng.
"Khi người Trung Quốc chúng tôi gọi ai đó là 'lão bằng hữu', nghĩa là chúng tôi đã biết họ từ lâu. Nhưng một 'lão bằng hữu' không nhất thiết có nghĩa anh ta vẫn là một người bạn thật sự" - ông Thời giải thích.
Ông Tập Cận Bình (lúc đó là phó chủ tịch nước của Trung Quốc) và ông Joe Biden (lúc đó là phó tổng thống Mỹ) thăm một dự án khôi phục hậu động đất ở tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, ngày 21-8-2011 - Ảnh: TÂN HOA XÃ
Vào tháng 6 năm nay, phóng viên Peter Doocy của Đài Fox News (Mỹ) đặt câu hỏi: "Ông từng nhiều lần nói về chuyện có lẽ ông đã dành nhiều thời gian với Chủ tịch Tập Cận Bình hơn bất kỳ lãnh đạo thế giới nào khác. Liệu sẽ có lúc ông gọi cho ông ấy, với tư cách giữa bạn cũ với bạn cũ, và yêu cầu ông ấy mở rộng cửa cho các nhà điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tới để tìm hiểu ngọn ngành nguồn gốc đại dịch COVID-19 hay không?".
Tổng thống Biden đáp: "Hãy nói thẳng về vấn đề này: Chúng tôi biết nhau rõ, nhưng chúng tôi không phải là bạn cũ. Đó chỉ là mối quan hệ công việc thuần túy".
Trước cuộc họp trực tuyến trên, khi được hỏi về cuộc trao đổi giữa ông Biden và ông Tập, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói: "Chà! Tôi có thể xác nhận là ông Biden vẫn không coi ông Tập là 'bạn cũ', và điều đó vẫn nhất quán".