'Mệ đừng lo, khó mấy cháu cũng không bỏ học...'

3 năm trước 352

Gánh hàng rong của bà Đặng Thị Khế đã nuôi chàng tân sinh viên nghèo Nguyễn Đức Anh nên người  - Video: NHẬT LINH - HUỲNH VY - TRINH TRÀ

Mệ đừng lo, khó mấy cháu cũng không bỏ học... - Ảnh 2.

Nguyễn Đức Anh (đứng), tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế, làm phục vụ tại một quán cà phê ở TP Huế để kiếm tiền vào ĐH - Ảnh: NHẬT LINH

Ôm lấy bà ngoại cũng là người mẹ thứ 2 của mình, Nguyễn Đức Anh (học sinh Trường THPT Đặng Trần Côn, TP Huế) thủ thỉ: "Mệ (bà) đừng lo, cháu sẽ vừa đi học, vừa đi làm thêm kiếm tiền. Khó mấy cháu cũng không bỏ học".

Gánh hàng rong của ngoại

Tờ mờ sáng, khi con gà còn chưa kịp cất tiếng gáy, căn nhà nhỏ lụp xụp của chàng tân sinh viên nghèo Nguyễn Đức Anh ở khu tái định cư dân vạn đò sông Hương (phường Phú Hiệp, TP Huế) đã sáng đèn. Bên trong, một người trẻ, một người già âm thầm gom lấy đồ đạc của mình để chuẩn bị lao vào cuộc mưu sinh thường nhật.

Ba năm nay, ngày nào Đức Anh cũng thức dậy sớm cùng bà ngoại như vậy. Leo lên chiếc xe máy cà tàng, chàng trai trẻ ngoái lại dặn bà ngoại ôm chặt rồi lái xe hướng về đường lộ.

Bà Khế năm nay 73 tuổi, làm nghề bán thịt dạo quanh bờ bắc TP Huế. Để có những mẻ thịt ngon lành, bà phải dậy thật sớm đi đến chợ đầu mối chọn mua vài cân, rồi hai bà cháu lại đèo nhau đến khu phố Phan Đăng Lưu, gần chợ Đông Ba bắt đầu cuộc rong ruổi bán dạo kiếm lời.

Lôi trong cạp quần ra xấp tiền lẻ, bà Khế dúi vội vào tay cháu ngoại tờ 10.000 đồng rồi dặn: "Nhớ mua chi ăn sáng, không được nhịn nghe con".

Đức Anh cười rồi lái xe đi mất hút.

"Hắn chạy đi làm thêm ở quán cà phê đó. Lương được 1,6 triệu đồng/tháng. Hắn đưa tui 600.000 đồng nói góp thêm tiền ăn. Còn 1 triệu hắn cất, nói để dành tiền đi học đại học", bà Khế kể.

Mệ đừng lo, khó mấy cháu cũng không bỏ học... - Ảnh 3.

Gánh hàng rong của bà Đặng Thị Khế đã nuôi chàng tân sinh viên nghèo Nguyễn Đức Anh nên người - Ảnh: NHẬT LINH

Bà Khế kể rằng Đức Anh có một tuổi thơ buồn, cậu là kết quả của một cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Bố em dù đã có vợ con nhưng vẫn giấu chuyện đó khi đến với mẹ em. Mọi chuyện vỡ lở khi đám cưới sắp được bắt đầu, và cả hai chia tay khi em chưa kịp chào đời.

Mẹ bỏ đi bước nữa, bà ngoại chính là người mẹ thứ hai của cậu bé tội nghiệp. Ngày qua ngày, hai bà cháu rau cháo nuôi nhau. Mọi chi phí sinh hoạt, học phí... của Đức Anh đều dựa cả vào gánh hàng rong của ngoại.

Hằng ngày, bà Khế thường cặp nách nia thịt đi bộ khắp các ngõ ngách ở bờ bắc sông Hương để bán rong bất kể nắng mưa. Tuổi cao sức yếu, đi được một chặng. bà Khế lại ngồi bệt xuống vệ đường thở dốc.

"Ngày bán được nhiều thì hơn 100.000 đồng. Còn lúc ít khách mua như trong mùa dịch này thì khoảng vài ba chục, đủ đổi gạo ăn qua ngày. Hôm mô mà tui đau ốm thì ở nhà, ai cho chi ăn nấy", bà Khế kể.

Vượt khó học tập

Thương ngoại tảo tần, từ năm học lớp 10, Đức Anh đã xin làm thêm ở một quán cà phê tại TP Huế để kiếm thêm thu nhập. Buổi sáng, cậu học sinh dậy sớm để chở bà ngoại đi lấy thịt, sau đó chạy thẳng đến trường đi học. Buổi chiều em đến quán cà phê làm phục vụ.

Khó khăn chẳng thể đánh gục được ý chí vượt khó của cậu học trò nghèo. Ba năm học cấp 3, thành tích học tập của Đức Anh khá dần lên trông thấy. Từ một học sinh có học lực trung bình năm lớp 10, Đức Anh đã nỗ lực để đạt danh hiệu học sinh khá vào năm 11 và học sinh giỏi vào năm lớp 12.

"Cũng có lúc em tính đến việc bỏ học để vào Nam làm công nhân kiếm tiền gửi về cho ngoại. Nhưng thực lòng em không muốn vậy, em muốn tốt nghiệp đại học và đi kiếm tiền bằng chính những tri thức mà mình được học", Đức Anh tâm sự.

Đến kỳ thi THPT quốc gia, Đức Anh thi đậu vào ngành marketing Trường đại học Kinh tế - Đại học Huế với số điểm 23,5.

Mệ đừng lo, khó mấy cháu cũng không bỏ học... - Ảnh 4.

Ở tuổi 73, bà Khế chẳng thể rong ruổi được nhiều trên phố - Ảnh: NHẬT LINH

Niềm vui đậu đại học lớn chẳng tày gang khi đằng sau đó là gánh nặng học phí, nhập trường. Đã vậy, căn bệnh sỏi mật của bà Khế ngày một trở nặng khiến bà buồn nhiều hơn vui khi biết tin cháu mình đậu đại học.

"Cháu sẽ kiếm thêm việc để làm, sẽ chạy thêm xe ôm công nghệ để kiếm tiền và vừa học vừa làm. Mệ đừng lo, khó mấy cháu cũng không bỏ học mô. Khi ra trường đi làm có tiền, cháu sẽ không cho mệ đi bán thịt dạo nữa", Đức Anh ôm chầm lấy đôi vai gầy của ngoại rồi thủ thỉ nói.

Lớp trưởng năng nổ

Cô Nguyễn Thị Thu Mến, giáo viên chủ nhiệm của bạn Nguyễn Đức Anh, cho biết rất khâm phục ý chí vượt khó, vươn lên của cậu học trò nghèo.

"Dù vừa học vừa làm thêm để kiếm tiền nhưng Đức Anh vẫn học rất giỏi. Chính vì nghị lực đáng khâm phục ấy nên tôi đã cho Đức Anh làm lớp trưởng ở lớp. Cậu bé cũng rất vui vẻ, năng nổ và thường hay giúp đỡ bạn bè trên lớp nhiều lắm", cô Mến nói.

Tân sinh viên khó khăn hoặc người giới thiệu có thể gửi hồ sơ Tiếp sức đến trường tại đây: tiepsuc.tuoitre.vn.

Mệ đừng lo, khó mấy cháu cũng không bỏ học... - Ảnh 6.

Năm nay là năm thứ 19 của học bổng Tiếp sức đến trường. Báo Tuổi Trẻ và các nhà hảo tâm dự định trao tổng kinh phí hơn 11 tỉ đồng cho các tân sinh viên hoàn cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19 và thiên tai - Đồ họa: NGỌC THÀNH

 Một mùa học bổng thật đặc biệt!Tiếp sức đến trường 2021: Một mùa học bổng thật đặc biệt!

TTO - Khi có thông tin Ban biên tập báo Tuổi Trẻ quyết định năm nay vẫn triển khai học bổng 'Tiếp sức đến trường' cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhiều bạn đọc quan tâm tới chương trình này đã bày tỏ sự ngạc nhiên lẫn vui mừng.

Nguồn bài viết