'Mẹ ơi đừng buồn nhé, hết dịch con sẽ về'

3 năm trước 745
Mẹ ơi đừng buồn nhé, hết dịch con sẽ về - Ảnh 1.

Ông Sùng A Nủ (trái), bí thư Huyện ủy huyện Phong Thổ (Lai Châu), đi kiểm tra công tác phòng chống dịch và thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ tổ chốt chặn phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở khu vực Xin Cai, xã Dào San, huyện Phong Thổ vào chiều 31-1 - Ảnh: NGỌC QUANG

Trung úy Lò Hoài Nam (24 tuổi, Đồn biên phòng Dào San, tỉnh Lai Châu) chia sẻ khi vừa từ trên chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 về đến đồn, cách nhau hơn 20km.

Vì bình yên nhân dân, vì người thân nơi hậu phương

Nhà Nam ở tận cuối huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, cách nơi đóng quân gần 150km. Nhà có 5 anh em, trung úy Nam là út, chưa vợ, cũng chưa có "mảnh tình vắt vai" nào. Năm 2019, về công tác tại đồn Dào San thì năm nay là năm thứ hai liên tiếp Nam không thể về quê dịp tết.

"Là con út mà 2 năm liền không về ăn tết, bố mẹ già rồi các anh chị có ý kiến gì không?". Nam cười cho biết khi xác định theo học Học viện Biên phòng thì đã làm công tác tâm lý với gia đình.

"Tết này con lại không về, vì nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Qua báo Tuổi Trẻ, con muốn gửi tới bố mẹ lời chúc năm mới mạnh khỏe. Mẹ ơi đừng buồn nhé, hết dịch chắc chắn con sẽ về…", Nam rơm rớm nước mắt nhắn nhủ tới người mẹ hơn 60 tuổi ở quê.

Mẹ ơi đừng buồn nhé, hết dịch con sẽ về - Ảnh 2.

Trung úy Lò Hoài Nam (đi đầu) cùng các đồng đội đi tuần tra đường biên khu vực Hải Tuyến, xã Dào San (Phong Thổ) - Ảnh: NGỌC QUANG

Không chỉ có Nam, ngay Đồn biên phòng Dào San hầu hết anh em cán bộ, chiến sĩ đều chung cảm xúc như thế.

Trung tá Dương Văn Phúc - đội trưởng chốt biên phòng Xin Cai (xã Dào San) - tâm sự ông quê thủ đô xa xôi lên canh giữ từng tấc đất biên cương, con cái đã lớn. Đã lên chức ông nhưng từ khi con gái sinh, đến nay cháu đã hơn 1 tuổi nhưng trung tá Phúc vẫn chưa được ẵm cháu ngoại vào lòng.

"Nhớ nhà ghê gớm, háo hức sớm được về bế bồng cháu, nhưng tình hình dịch bệnh căng thẳng quá. Là lính biên phòng, khi đất nước cần thì chúng tôi sẽ làm tất cả vì cuộc sống bình yên của người dân, trong đó có chính người thân của mình nơi hậu phương", trung tá Phúc bộc bạch.

"Dù sương đêm hay mưa rừng giá rét, chúng tôi vẫn duy trì đều đặn các ca trực tuần tra kiểm soát. Bộ đội biên phòng phải thực sự là những 'lá chắn thép' ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép, với quyết tâm 'biên giới bình yên để nội biên vững chắc'" - đại úy Đinh Danh Cẩn, chính trị viên Đồn biên phòng Dào San, góp lời.

Mẹ ơi đừng buồn nhé, hết dịch con sẽ về - Ảnh 3.

Đại diện báo Tuổi Trẻ thăm hỏi, tặng quà và 10 triệu đồng cho cán bộ, chiến sĩ tổ chốt chặn khu vực mốc 70 (2) xã Vàng Ma Chải (Phong Thổ) - Ảnh: NGỌC QUANG

Mượn chuồng trâu làm chốt biên phòng

Giữa trưa, trời vẫn mờ mịt sương mù, những hạt mưa xuân rơi như dày hơn, xe ôtô ì ạch vượt những đoạn đường sạt lở, lầy lội đến xã Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ).

Chiếc xe đỗ xịch trước một cái chòi sơ sài bên đường, nếu không có tấm biển đỏ bên đường ghi "tổ chốt chặn phòng chống dịch bệnh COVID-19" thì không ai nghĩ đây là nơi các chiến sĩ Đồn biên phòng Vàng Ma Chải ăn, ngủ tại cái chòi suốt một năm qua.

"Đây trước là chuồng trâu của dân, khi có quyết định lập chốt, thấy đây là điểm 'đắc địa' thuận lợi cho việc đặt chốt nên đơn vị đã thương lượng với dân để cải tạo, che chắn thành nơi 'đóng quân' của mấy anh em.

Từ đây đến khu vực đường biên phía dưới chỉ hơn 200m. Biên giới chỉ cách nhau một con suối cạn, chỉ lơ là một chút là việc gì cũng có thể xảy ra", trung tá Trịnh Anh Tuấn, đồn trưởng Đồn biên phòng Vàng Ma Chải, chia sẻ.

Phụ trách hơn 14km đường biên qua 3 xã Vàng Ma Chải, Mồ Sì San và Pa Vây Sử, từ sau Tết Nguyên đán năm 2020, đồn đã lập 6 chốt và 3 đội kiểm soát cơ động. Riêng địa bàn xã Vàng Ma Chải chỉ có chưa đầy 4km đường biên nhưng đồn phải lập 3 chốt.

"Một năm qua, chúng tôi đã bắt giữ, chuyển đi cách ly tập trung gần 350 người từ bên kia nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Hiện qua nắm tình hình vẫn còn gần 200 công dân ở địa bàn đi làm ở Trung Quốc chưa về.

Dịp tết này chắc chắn họ sẽ tìm cách về nước ăn tết. Chúng tôi tăng cường tuần tra, canh gác và vận động người thân của họ liên lạc sang bên kia khuyên người thân không về nước đợt này, nếu về sẽ đưa đi cách ly theo quy định", trung tá Tuấn cho biết.

Ở Vàng Ma Chải, có những hôm rét buốt xuống 0 độ C, ngoài việc thường xuyên phải đốt lửa sưởi ấm; mỗi khi đi tuần, cán bộ, chiến sĩ của chốt phải học cách của người dân bản địa, quấn nhiều vải để giữ ấm bắp chân, bàn chân.

'Xuân này con không về'

Rất tình cờ, trên đường từ Hà Nội lên Lai Châu, chúng tôi gặp đại tá Phan Hồng Minh - chính ủy Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Lai Châu.

Trong câu chuyện, đại tá Minh cho biết suốt 1 năm ròng rã bất kể ngày nắng nóng lẫn đợt rét đậm rét hại, băng giá, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh vẫn chỉ đạo, nhắc nhở anh em kiên trì bám chốt, không thể lơ là.

"Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán, lượng người xuất nhập cảnh trái phép qua khu vực biên giới sẽ gia tăng. Chúng tôi quán triệt 100% quân số trực tại các điểm chốt cố định và lưu động dọc biên giới để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp nhập cảnh trái phép vào địa bàn. Bộ chỉ huy chỉ giải quyết phép cho các trường hợp đặc biệt".

Cũng vì tinh thần chỉ đạo quyết liệt như vậy nên tất cả các đồn, và toàn bộ cán bộ, chiến sĩ biên phòng toàn tỉnh đều xác định "xuân này con không về".

Cảm động với món quà tết phương NamCảm động với món quà tết phương Nam

TTO - Ngày 30-1, 304 phần quà chương trình "Tết sẻ chia cùng Tuổi Trẻ" đã đến tay học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ, Lai Châu.

Nguồn bài viết