Sang có một đam mê bất tận với sách, đặc biệt là các tập sách khoa học, y khoa - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Sang sinh ra mà chưa một lần được nhìn thấy mặt cha, tất cả đều do một tay người mẹ - bà Lê Thị Anh Thy tảo tần ngược xuôi nuôi nấng.
Tôi sẽ dồn phần lớn thời gian cho việc học để kiếm học bổng, dùng tiền học bổng để trả học phí. Còn việc trợ giảng cũng mất nhiều thời gian nên sẽ tiếp tục, vừa có lương mà cũng để cảm ơn thầy đã giúp đỡ mình khi khó khăn.
LÊ THANH SANG
Cách thông minh để có sách đọc
Sang lớn lên với tuổi thơ đầy thiệt thòi khi chưa tròn tuổi đã mồ côi cha. Nhiều biến cố xảy đến với gia đình khiến căn nhà là nơi trú ngụ duy nhất của hai mẹ con cũng chẳng còn. Bà Thy không công việc ổn định, Sang từ nhỏ đã quen với việc theo chân mẹ nay đây mai đó kiếm sống với đủ loại nghề.
Trong căn chung cư tại quận 6 (TP.HCM) mà hai mẹ con đang được cho ở nhờ, sách chiếm nhiều không gian nhất. Có rất nhiều đầu sách khoa học, y khoa chuyên ngành, thậm chí có những tập sách hoàn toàn viết bằng tiếng nước ngoài.
Sang nói rằng luôn xem sách như người bạn tri kỷ. Hễ rảnh rỗi là cậu lại đọc sách, ngấu nghiến. Đọc nhiều nhưng từng tập sách, trang sách được Sang bảo quản rất kỹ trong giấy bao. "Đọc cẩn thận, giữ sách thật mới để bán lại mà không bị lỗ là cách mà tôi mua và đọc được nhiều sách nhất", Sang nói.
Nhiều thầy cô ở Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6) thương trò ham học nên không những không thu học phí mà còn hỗ trợ rất nhiều.
Sang lại được một thầy giáo chọn làm trợ giảng cho mình ở những khóa học ôn thi THPT. Không những không mất học phí, giờ đây Sang còn được trả lương 1 triệu đồng/tháng.
Với Sang, khoản lương ấy thật quý giá bởi giờ đây đã có tiền để lên mạng... đặt sách, mua sách. Sang tâm sự bản thân càng ngày càng mê đọc sách nguyên bản nước ngoài, qua đó có thể rèn luyện ngoại ngữ.
Mừng phát khóc
Công việc tạp vụ, thu dọn rác sinh hoạt cho một tòa chung cư ở quận 6 mang lại cho bà Thy hơn 6 triệu đồng mỗi tháng. Tranh thủ thời gian rảnh thì bà thường đi làm thêm, nhận giúp việc nhà theo giờ cho người dân trong vùng.
Bà Thy kể mình mừng đến khóc khi biết tin con trai thi được 10 điểm môn sinh (9,75 điểm môn hóa, 9 điểm môn toán) và đậu vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM. Với bà, việc con trai được học lên đại học là giấc mơ mà bản thân cả đời ao ước.
"Nhìn con chăm học thì có khổ mấy tôi cũng cam lòng", bà Thy nói. Nghĩ về ngày con trai trở thành bác sĩ là cách để bà Thy tiếp thêm động lực cho chính mình, từ đó những nhọc nhằn cũng tan biến đi.
Đạp lên những gian khó, giờ đây cậu học trò nghèo mồ côi cha Lê Thanh Sang đã chập chững những bước đi đầu đời của một chàng sinh viên y khoa. Những chương trình mổ tim miễn phí cho người nghèo vẫn là mong ước được Sang ấp ủ mãi.
"Bác sĩ tim mạch ở Việt Nam mình không nhiều, kinh phí cho một ca mổ tim lại rất cao nên nhiều người nghèo không may mắc bệnh tim đang rất mong chờ vào những chương trình mổ miễn phí. Tôi luôn hứa với lòng mình chỉ cần bản thân có đủ kiến thức, kinh nghiệm và được tạo điều kiện sẽ thực hiện ngay mong ước này", Sang chia sẻ.