Mật hoa dừa từ bàn tay người cầm phấn

3 năm trước 679
Mật hoa dừa từ bàn tay người cầm phấn - Ảnh 1.

Thầy giáo Hải massage cho hoa dừa để lấy mật - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Hiện chính quyền địa phương đang hỗ trợ anh Hải để đăng ký sản phẩm OCOP của địa phương. Đây là một sản phẩm từ cây dừa khá độc đáo, có hiệu quả kinh tế và rất có tiềm năng.

Ông TRẦN CẢNH TÂN (phó chủ tịch UBND xã An Khánh)

Đó là tiếng va chạm giữa thanh gỗ và hoa dừa trong quá trình massage, tạo kích thích để lấy mật hoa dừa của thầy giáo Hải.

Đã hơn 3 năm qua, âm thanh đó cứ lan từ vườn dừa nhà thầy giáo Hải qua các vườn dừa khác, tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân địa phương và sản phẩm mới "Mật hoa dừa" được ra đời từ đôi bàn tay cầm phấn của thầy Hải.

Khởi nghiệp từ ly nước mật của bà

Sinh ra ở xứ dừa, như bao người con đất Bến Tre, hình ảnh cây dừa in hằn trong tâm trí của thầy giáo Hải. 

"Lúc còn nhỏ, cứ mỗi lần thấy bà ngoại lấy mật hoa dừa để làm kẹo, làm nước màu tui mê lắm. Cứ lẽo đẽo theo ngoại để dò xem tỉ mỉ quy trình từ việc lấy mật hoa dừa đến khi ra thành phẩm. Càng lớn, tui càng nghe được những lời than phiền từ các nhà vườn rằng khó sống được với cây dừa vì giá trị kinh tế thấp. 

Từ đó ý chí tạo ra sản phẩm từ cây dừa, tăng giá trị cây dừa càng thôi thúc tôi phải khởi nghiệp từ chính loại cây bản địa này", anh Hải nói.

Dù muốn làm một thứ gì đó cho quê hương nhưng gánh nặng cơm áo, gạo tiền vẫn đưa đẩy anh Hải đến với nghề "gõ đầu trẻ". 

Hằng ngày xách cặp đến lớp nhưng trong các bài giảng của mình, thầy giáo Hải vẫn không quên lồng ghép những câu chuyện về cây dừa của quê hương để truyền cảm hứng, vẽ nên một bức tranh đẹp về quê hương xứ dừa.

Ngoài giờ trên lớp, nhiều năm qua anh Hải dành trọn thời gian vào cây dừa. Cứ 4h sáng, anh Hải lại leo lên đọt dừa, gõ vào từng cụm bông dừa để kích thích cho ra mật. 

"Có một thời gian dài, hàng xóm cứ phàn nàn bởi âm thanh lộc cộc mà tui tạo ra lúc sáng sớm trong lúc massage cho hoa dừa. Về lâu rồi mọi người cũng quen", anh Hải cười kể lại.

Do chưa quen với quy trình lấy mật hoa dừa, nhiều lần thầy giáo Hải thất bại với sản phẩm này. Lúc thì để lâu quá, mật hoa dừa bị lên men, lúc bị côn trùng bò vào bịch hoa dừa khiến mật hư hỏng...

Nhưng anh Hải vẫn không nản lòng. Hằng ngày thầy giáo trẻ vẫn lên lớp, tối về ngồi nghiên cứu làm sao để có được những mẻ mật tốt nhất, bảo quản được lâu nhất. Bây giờ ở cái tuổi 30, thầy giáo Hải đã có một lượng kiến thức phong phú về cây dừa nói chung và về quy trình làm mật hoa dừa nói riêng.

"Đến năm 2018, tui chính thức bắt đầu nghiên cứu lấy mật hoa dừa để làm nước giải khát. Bởi thời gian này do ảnh hưởng của hạn, mặn lịch sử 2016 nên dừa giảm năng suất, nhà vườn trở nên lao đao vì dừa bị treo đọt, không có trái. Chính vì vậy càng thôi thúc tui nghiêm túc nghiên cứu để nhanh chóng giúp các nhà vườn có thêm thu nhập", anh Hải nói.

Mật hoa dừa từ bàn tay người cầm phấn - Ảnh 3.

Hoa dừa được dạt một mặt để lấy mật - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Mật ngọt cho đời

Ban đầu do chưa quen nên anh Hải lấy mật từ nhưng cây dừa cao và gặp khó khăn trong việc massage cũng như lấy mật hằng ngày. Sau quá trình nghiên cứu, anh chọn cây dừa xiêm khoảng 4 - 5 tuổi để lấy mật. Khi hoa dừa ra được 4 - 5 tuần, anh cắt phần đuôi một lát để hoa tiết ra mật. 

Song song đó, anh dùng một thanh gỗ gõ đều khoảng 15 - 30 phút mỗi ngày vào lưỡi mèo (bọc ngoài hoa dừa) để làm vỡ mạch giúp hoa tiết ra nhiều mật hơn. Massage hoa dừa cũng xuất phát từ việc này.

"Việc massage cho hoa dừa nghe có vẻ đơn giản nhưng phải gõ sao cho vừa phải vì nếu mạnh quá thì hoa dừa sẽ bị hư, lấy được một lần rồi thôi nhưng nếu gõ nhẹ quá thì không có mật", anh Hải giải thích.

Sau khi cắt phần đuôi của hoa dừa, Hải dùng bịch mủ buộc cố định vào hoa dừa và chờ mật chảy vào bịch. Bình quân mỗi chùm hoa dừa, anh Hải lấy được trên 10 lít mật. 

Năm 2019, thầy giáo Hải chính thức thực hiện dự án khởi nghiệp bằng cách thu mật từ hoa dừa chế biến ra hai sản phẩm là nước giải khát và mật cô đặc bán ra thị trường.

Cùng với sự hỗ trợ của các thầy, cô giáo của Trường đại học Công nghệ thực phẩm TP.HCM, anh Hải tham gia nhiều khóa học, tập huấn về quản lý, thị trường, tư duy khởi nghiệp... và bắt tay vào đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm từ mật hoa dừa.

Hiện nay, ngoài vườn nhà Hải đã liên kết với các vườn dừa của người dân để khai thác mật. Anh trả cho các chủ vườn 70.000 đồng trên mỗi bông dừa.

Ông Nguyễn Văn Chiến, ngụ ấp An Phú (xã An Khánh, huyện Châu Thành), cho biết hiện ông đã chuyển 20 gốc dừa xiêm qua thu hoạch mật hoa dừa thay thu hoạch quả như trước đây. 

"Từ ngày liên kết với thầy Hải để lấy mật, thu nhập của tôi cũng ổn định hơn và không còn phải chịu cảnh được mùa mất giá. Giá cả ổn định, đồng thời tui tiếp cận được với cách làm mới của thế hệ trẻ thấy cũng vui và học hỏi được nhiều thứ mới mẻ", ông Chiến nói.

Hiện đại hóa quy trình chế biến

Thầy Hải đã liên kết với nhiều chủ vườn để lấy mật và quy trình chế biến mật được dần hiện đại hóa. Thầy Hải sử dụng máy thanh trùng sốc nhiệt với quy mô nhỏ, công suất khoảng 200 lít/ngày. Sau khi thu hoạch mật sẽ đưa vào máy có bồn chứa làm nóng ở nhiệt độ 65 - 70 độ C rồi dẫn dung dịch qua bồn làm lạnh khoảng 5 giây để tiệt trùng.

Bây giờ thầy Hải đã có trong tay hai sản phẩm chính là nước giải khát và mật hoa cô đặc đóng chai.

Khởi nghiệp từ "rau hoàng đế"Khởi nghiệp từ 'rau hoàng đế'

TTO - Sau 9 năm trồng măng tây xanh được mệnh danh là 'rau hoàng đế', mỗi ngày Vũ Huy Tuấn ở Bắc Ninh đã thu về hơn chục triệu đồng, phân phối cho nhiều siêu thị, chợ trên địa bàn miền Bắc.

Nguồn bài viết