Mường Nhé phát triển chăn nuôi đàn đại gia súc tập trung

2 năm trước 221
Chú thích ảnhGia đình ông Vũ Thái Thụy, bản Nà Pán, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé (Điện Biên) chăn thả trâu, bò bằng hình thức nuôi nhốt tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho biết: Để triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đi vào cuộc sống, ngày 19/5/2021, Huyện ủy Mường Nhé đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU về việc chăn nuôi đại gia súc theo hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế, giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.  

Mục tiêu nhằm từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, thúc đẩy phát triển chăn nuôi trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” của huyện. Đồng thời hình thành chuỗi liên kết sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi. Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND huyện Mường Nhé đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn UBND các xã triển khai các mô hình điểm về chăn nuôi trâu, bò theo hình thức nuôi nhốt và bán chăn thả có trồng cỏ bổ sung thức ăn.

Thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển chăn nuôi của huyện ủy, xã Mường Nhé đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi phương thức chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung. Khuyến khích người dân liên kết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thành mô hình để chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa các hộ thành viên và thuận tiện trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật.  

Hiện nay xã đang thí điểm chăn nuôi tập trung theo hình thức liên kết nhóm hộ tại một số bản. Điển hình như gia đình ông Vũ Thái Thụy (bản Nà Pán, xã Mường Nhé) trước đây chăn nuôi trâu, bò thả rông, hiệu quả kinh tế không cao, nhưng từ khi chuyển đổi sang chăn nuôi nhốt chuồng, tập trung, đồng thời được huyện hỗ trợ trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc, hiệu quả kinh tế đã thay đổi. Đến nay gia đình ông duy trì nuôi 40 con trâu, bò theo hình thức tập trung, nhốt chuồng. Đàn gia súc sinh trưởng và phát triển tốt; kiểm soát được dịch bệnh và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Video: Mường Nhé chăn nuôi đại gia súc theo hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung

Ông Nguyễn Quang Hưng, Bí thư huyện ủy Mường Nhé cho biết: Đến nay huyện Mường Nhé đã phân bổ cho các xã 1,1 tỷ đồng (100 triệu đồng/xã); đồng thời chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, UBND các xã đã phối hợp, hướng dẫn hỗ trợ 87 hộ gia đình xây dựng các mô hình chăn nuôi điểm trên địa bàn 11 xã.

Quy mô triển khai gồm trồng 53,5ha cỏ; nuôi bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung 1.096 con trâu, bò. Một số xã đã triển khai thực hiện tốt như: Sín Thầu có 11 hộ triển khai mô hình, diện tích trồng cỏ 10ha, với 373 con trâu; Leng Su Sìn có 8 hộ, diện tích trồng cỏ 5,5ha, với 64 con trâu, bò; xã Mường Nhé có 5 hộ với diện tích trồng cỏ 5,6ha và 47 con trâu, 17 con bò...

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Thực hiện nghị quyết của huyện về việc chăn nuôi đại gia súc theo hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung, thời gian qua Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò) theo hình thức bán chăn thả, nuôi nhốt, hạn chế tối đa tình trạng chăn thả rông.

Khuyến khích, hỗ trợ người dân trồng cỏ cung cấp thức ăn xanh cho trâu, bò và dự trữ cỏ khô để có nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa đông; đẩy mạnh việc ứng dụng, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi.

Những hộ dân tham gia mô hình đã từ bỏ thói quen thả rông trâu, bò chuyển sang nuôi nhốt; đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc và phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, góp phần hình thành và phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.  

Đến nay, tổng đàn trâu toàn huyện Mường Nhé đạt 11.393 con, tăng 7,64% và đàn bò 5.423 con, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2020. Huyện Mường Nhé phấn đấu đến năm 2025 tổng đàn trâu, bò đạt trên 20.000 con; phát triển trên 400 nông hộ, gia trại chăn nuôi trâu, bò tham gia chuỗi liên kết hợp tác xã.
Nguồn bài viết