Nhưng đúng là chẳng có gì thay đổi nhanh bằng thời tiết. Giữa hai đợt lạnh, có một ngày nắng lên, vàng ươm mà có phần gay gắt, như một nét gạch giữa hai miền lạnh. Nhưng đủ để thấy sức nóng rát của nắng cuối thu đầu đông khi vào cơn trưa, khiến những chị em áo dài tranh thủ dạo hồ Gươm chụp vài kiểu ảnh hay cặp nhân tình áo trắng cũng đổ mồ hôi khi hò hẹn mừng cho ngày của một nửa thế giới.
Nhưng cũng chỉ ngay ngày sau đó, trong đầu giờ sáng, khi trên đường đi làm, mọi người ngỡ ngàng khi gió chuyển mạnh, ào ạt hất tung bụi, nhiệt độ giảm đột ngột. Gió mùa đông bắc tràn về. Rất nhanh, cái lạnh đã lại len lỏi vào từng con phố, trùm lên không gian, mây đen ám bầu trời, lác đác có hạt mưa. Nhiều người co ro trong áo mỏng.
Bởi mùa đông bất chợt đến sớm, nên nhiều người đổ đến các cửa hàng thời trang, sau đợt giãn cách hơn hai tháng, hối hả mua quần áo ấm. Một cuộc mua sắm trong trạng thái “bình thường mới”, háo hức, say mê, trong khẩu trang, xịt khuẩn và không quên quét mã QR code, khai báo y tế, dù rằng không phải nơi nào cũng tuân thủ tuyệt đối, với muôn vàn lý do mà dễ giải thích nhất là tâm lý “ngại” và có phần chủ quan trước dịch bệnh.
Nhưng có lẽ năm nay, điều khiến không ít người thích thú khi mùa đông về bởi đúng lúc nhiều hoạt động mở cửa trở lại. Trong cái lạnh đầu đông, khi các hàng quán bán tại chỗ được bán tới năm mươi phần trăm công suất, vui mừng nhất có lẽ là các tín đồ của phở. Trong thú ẩm thực của người Việt, phở là một trong những món tiêu biểu, mang thương hiệu ra toàn thế giới.
Thế nên, ngay trong ngày Hà Nội cho phép một số hoạt động dịch vụ mở cửa trở lại, thì ngay lập tức, từ sáng sớm, trên vài trang báo đã có chùm ảnh về các hàng phở, với các thực khách, với vách ngăn, với nồi nước dùng nghi ngút khói. Có quán hàng chỉ trong một vài tiếng đã bán bay cả tạ bánh phở. Các tay “săn ảnh” chuyên nghiệp không thể không bỏ qua các quán hàng quen thuộc: phở Thìn Lò Đúc, quán phở ở đầu Hai Bà Trưng,... Cảm giác như, nếu trong cái lạnh, trong cái vui mừng khi hàng ăn, quán phở mở cửa trở lại, mà không tới xì xụp tô phở, thì đã giảm đi mấy phần thú vị.
Mà chả đúng như thế còn gì. Nhà văn Thạch Lam với “Quà Hà Nội” đã viết: trong muôn vàn thứ quà thì phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội. Hồi còn là sinh viên, khi mọi thứ luôn thiếu thốn, phở là thứ quà chỉ khi ốm mới dám ăn. Nhất là khi mùa đông về, đọc Thạch Lam miêu tả phở thì cứ gọi là ứa nước miếng. Thạch Lam mô tả “bánh phở bã” của anh hàng phở ở đầu phố rất gợi: “nước sôi sùng sục toả mùi thơm ra khắp phố”, “nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt và hành tây đủ cả”. Nhà văn mô tả gánh phở của một bà trong nhà thương cũng rất tài: “bát phở đầy đặn và tươm tất... nước thì trong và lúc nào cũng nóng bỏng, khói lên nghi ngút. Rau thơm tươi, hồ tiêu Bắc, giọt chanh cốm gắt, lại thêm chút cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ... Ai muốn ăn mỡ gầu, có, muốn ăn nạc, có, muốn ăn nửa mỡ, nửa nạc, cũng có sẵn sàng”. Đấy, thế nên ăn phở, mà lại còn vào tiết chớm đông, mà lại còn sau bao ngày “cơm nhà” theo đúng nghĩa, thì còn gì bằng. Mùa đông chả quá đặc biệt, ngay từ khi cơn gió lạnh ùa về chứ còn gì nữa.
Nhưng nếu như cái vị phở kia cần có gánh hàng, cần có quán xá, thì có những thứ rất mùa đông, mà không cần thêm bất cứ một gia vị nào, bởi hiển nhiên đã là thơm thảo của đất trời. Đó là thứ quà trời cho. Đó là hương thơm thoang thoảng của hoa ngọc lan nơi góc vườn của căn nhà ngoại ô, của phố rợp bóng cây, của những căn nhà cổ kính.
Năm nay đến lạ, ngọc lan nở tới ba vụ. Tháng tư là vụ chính, hoa chi chít trắng ngần xen giữa những chùm lá xanh. Rồi giữa tháng bảy nóng bức, vườn nhà ai cũng bất chợt thoảng hương ngọc lan như muốn xoa dịu cái oi ả. Và bây giờ, tháng mười, vẫn có những bông ngọc lan trắng tinh, thơm ngát, vài ba bông hoa trên cây, nhưng đủ để ai yêu hoa, say mê hoa thấy lòng thanh tịnh. Vẫn là mùi hương ấy, nhưng như sắc ngọt hơn, cũng làm cho lòng người mê đắm hơn và dịu lại.
Còn hoa sữa, thì vẫn cứ nồng nàn thế, làm hương đêm ấm lên, khiến góc phố thân quen như thân quen hơn, khiến con đường đi mỗi ngày thi vị hơn, khiến lòng người hoài niệm hơn. Nhưng trong trạng thái “bình thường mới”, nên cũng chỉ thưởng thức hương vị của đất trời chóng vánh, trong lúc bánh xe lăn trên đường tới công sở, chứ không “xa xỉ” lang thang góc phố, ngồi cà phê lan man câu chuyện như những mùa đông trước. Một chút tiếc nuối khi thói quen đành tạm gác, một chút nao nao khi hanh hao mùa thu với gánh cốm đã vội qua khi còn chưa kịp thưởng thức thì mùa đông đã về. Nhưng đó là tự nhiên của đất trời, mùa đông đến sớm, biết đâu là để cho một mùa xuân lại nhanh về.