Cá linh nuôi làm sạch bán tại chợ giá hiện từ 230.000 - 250.000 đồng/kg - Ảnh: BỬU ĐẤU
Tuy thu lợi nhanh nhưng sợ rủi ro cá chết, cung vượt cầu nên người dân còn e dè.
Không dễ nuôi
Ông Lê Văn Thảo - ngụ huyện Lai Vung, Đồng Tháp - cho hay gia đình ông vừa bán đợt cá linh đầu tiên với giá 130.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông thu về lợi nhuận gần 50 triệu đồng. "Tuy nhiên, tỉ lệ cá hao hụt vẫn còn cao. Vì vậy tôi quyết định mùa tới sẽ không thả nuôi cá linh nữa mà chuyển sang nuôi cá khác", ông Thảo nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Bồi - xã Mỹ Hưng B, huyện Lấp Vò - cho biết đầu mùa nuôi cá linh dễ kiếm lời nhưng cũng không dám "mạo hiểm" nên chỉ nuôi 2 đợt/năm thuận theo mùa nước nổi.
Ông Trần Anh Dũng - chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang - cho biết An Giang đã từng nuôi cá linh từ trước năm 2014 nhưng không hiệu quả nên đến nay không còn nông dân nào nuôi. "Lúc đó, An Giang nuôi trong diện tích 1ha nhưng thu hoạch chỉ có 600kg cá linh, trừ hết chi phí thì thua lỗ" - ông Dũng kể.
Theo ông Dũng, cá linh ăn tạp, ăn thực vật phù du trong nước nên thức ăn không phải là chính. Thời điểm đó, khi nông dân nuôi cá linh non cũng được một doanh nghiệp ở An Giang mua với giá 60.000 đồng/kg nhưng nông dân "không thể sống" được. Do đó, công ty này phải qua tận Campuchia mua cá linh để đóng hộp bán cá linh kho mía xuất khẩu đến nay.
"Cá linh sống ở nước chảy nên khi nuôi trong ao thì nước đứng dễ bị thiếu oxy cục bộ dẫn đến cá chết. Cái thứ hai nữa là nuôi cá linh càng nhiều thì ảnh hưởng đến tỉ lệ sống càng lớn, khó nuôi. Nuôi mật độ thưa thì không có năng suất, dày thì cá dễ chết. Bà con nên thận trọng trong mô hình nuôi cá linh non này" - ông Dũng nói.
Cần tổ chức tốt hỗ trợ nông dân
Ông Võ Bé Hiền - chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp - cho biết hiện nay nhiều nông dân ở các huyện Hồng Ngự, Lấp Vò, Lai Vung và Cao Lãnh đang nuôi cá linh có lợi nhuận.
Tại Cao Lãnh, nông dân đã bán cá linh nuôi hơn 1 tháng nay rồi, trước khi có cá linh mùa lũ.
Trả lời câu hỏi hiện nay khi người dân cho rằng cá linh nuôi hao hụt nhiều, khó nuôi, không lợi nhuận, ông Hiền nói: "Các hộ nuôi cá linh này đã có kinh nghiệm, họ ương cá kỹ rồi sau đó mới thả nuôi trên đồng ruộng nên ít hao hụt".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thạc sĩ Nguyễn Hữu Tân - giảng viên Trường đại học Đồng Tháp - cho biết việc nhân giống cá linh đã thành công từ hơn 10 năm nay, tuy nhiên khoảng 3 năm trở lại đây, nông dân nuôi nhiều do nguồn cá bắt đầu khan hiếm.
"Trong khoảng 4 tháng mùa nước nổi, nhu cầu cá bột của nông dân khoảng 100 - 200 triệu con. Việc nuôi cá linh thương phẩm cũng giống mặt hàng cá tra mình đã làm thành công. Chỉ cần tổ chức thành một hiệp hội, quản lý bao tiêu đầu ra, nông dân sẽ không còn lo lắng chuyện cung vượt cầu hay chỉ đợi mùa nước nổi để "ăn theo thời vụ" như hiện nay" - ông Tân nói.