Vụ va chạm giữa chim với máy bay làm vỡ ống dầu phanh được nhận định xảy ra trong quá trình cất - hạ cánh, khi các cụm càng máy bay chưa thu vào buồng chứa - Ảnh minh họa: TUẤN PHÙNG
Cụ thể, 11h11 ngày 21-4, chuyến bay VN 1500 của Vietnam Airlines từ Đà Lạt hạ cánh, vào sân đỗ của sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), thợ máy phát hiện có xác chim trên càng sau bên phải của máy bay. Ống dầu thủy lực càng sau bên phải (ống dầu phanh) bị vỡ.
Chiếc A321 phải nằm chờ tại sân đỗ để thay ống dầu thủy lực. Đến 18h26 ngày 21-4, máy bay cất cánh an toàn.
Trong khi chờ chiếc máy bay A321 thay ống dầu phanh, Vietnam Airlines đã bố trí một máy bay khác từ sân bay Nội Bài tới sân bay Thọ Xuân để đưa khách chuyến bay VN 1501 từ Thanh Hóa đi Đà Lạt lúc 16h05 ngày 21-4. Do sự cố trên, chuyến bay VN 1501 bị chậm 3 tiếng 55 phút so với giờ khởi hành.
Gần đây, ngày 11-4, chiếc máy bay Airbus A350 của Hãng hàng không China Airlines (Đài Loan) thực hiện chuyến bay CI 783 từ Đài Bắc đến Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cũng được phát hiện vết máu, lông chim dính vào thân tàu bay gần cánh trái, cùng vết lủng vỏ thân máy bay với đường kính khoảng 30cm. Chiếc A350 này phải nằm lại Tân Sơn Nhất để kiểm tra, sửa chữa.
Ngày 7-4, tại Tân Sơn Nhất, khi kiểm tra máy bay A321 của Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay từ Phú Quốc về, thợ máy phát hiện phía trước cánh phải có vết lõm khoảng 8cm, sâu khoảng 0,2cm, nghi ngờ bị va phải chim.
Đến 22h35 ngày 7-4, thợ máy kiểm tra chiếc máy bay A321 thực hiện chuyến bay VNA 612 từ Hải Phòng hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất phát hiện có vết máu và lông chim dính vào cánh quạt và viền động cơ số 1 của máy bay.
Đơn vị quản lý khu bay Tân Sơn Nhất đã kiểm tra đường băng, đường lăn sau hai vụ việc trên theo lộ trình máy bay hạ cánh từ đường băng vào sân đỗ, nhưng không phát hiện bất thường.
Ngày 31-3, chuyến bay QH 1055 của Banboo Airways từ Hải Phòng đi Côn Đảo cũng phải chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Nội Bài vì va phải chim khi cất cánh tại sân bay Cát Bi. Vụ va chạm để lại máu chim và một vết lõm tại động cơ số 1 của chiếc máy bay Embraer 195 thực hiện chuyến bay QH 1055.
Sau khi chuyến bay QH 1055 xin chuyển hướng hạ cánh xuống Nội Bài, phía sân bay Cát Bi (Hải Phòng) đã kiểm tra đường băng, phát hiện 2 xác chim nằm trên đầu đường băng 25 của sân bay này.
Các vụ va chạm giữa máy bay với chim xảy ra khá phổ biến trên thế giới. Theo các chuyên gia hàng không, về lý thuyết, máy bay lớn có thể tiếp tục bay sau khi va chạm với chim nặng tối đa 2kg. Tuy nhiên, nếu bị hút vào động cơ, dù chim nhỏ cũng khiến động cơ hư hỏng. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn, máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống sông, ruộng ngô vì chim làm hỏng động cơ.
Sự chênh lệch tốc độ giữa chim và máy bay khiến tác động của vụ va chạm rất mạnh, làm hư hỏng vỏ, các bộ phận của máy bay. Tốc độ chênh lệch càng lớn thì tác động càng mạnh.