Mái tóc của tôi đang trên hành trình được 'sống lần thứ 2'

2 năm trước 152


Mái tóc của tôi đang trên hành trình được sống lần thứ 2 - Ảnh 1.

Mái tóc dài của tôi được cắt đi và gửi tặng bệnh nhân qua Mạng lưới Ung thư vú - Ảnh: THANH AN

"Rồi tóc rụng. Cái đầu trọc lóc tố cáo rằng: Tôi đang bị ung thư. Da dẻ nhăn nheo, cháy sạm, khuôn mặt tiều tụy, hốc hác và mệt mỏi vô cùng. Ung thư vú không chỉ cắt ngắn cuộc đời của tôi mà còn đánh cắp 20 năm trải nghiệm đẹp đẽ nhất của đời người… bắt tôi chứng kiến nhiều tổn thương và mất mát của chính tôi"

Thương Sobey, sáng lập Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam, khởi xướng dự án Thư viện tóc - hiến tóc cho bệnh nhân ung thư

"Thư cảm ơn hiến tóc đạt chuẩn" - màn hình điện thoại thông báo có e-mail đến từ Thư viện tóc Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam khiến tôi không kìm được niềm hạnh phúc.

"Bạn thân mến,

Thư viện tóc đã nhận được tóc của bạn rồi đấy!

BCNV (Mạng lưới Ung thư vú - PV) rất vui mừng khi xác nhận mái tóc của bạn đã và đang trên hành trình được "Sống lần thứ 2" góp phần mang lại vẻ đẹp, duy trì động lực sống và niềm tin chiến thắng cho những chiến binh K.

BCNV rất biết ơn tấm lòng sẻ chia và thiện ý của bạn dành cho cộng đồng".

Tôi là học trò của cô Nguyễn Khánh Thương (Thương Sobey), may mắn được cô truyền dạy kiến thức trong những năm tháng ngồi trên giảng đường. Cô từng là giảng viên khoa báo chí Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - người sáng lập Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam.

Ấn tượng nhất trong tôi chính là hình ảnh người phụ nữ có mái tóc ngang vai, đầy năng động, tự tin và nụ cười thường trực trên môi, luôn truyền đến năng lượng tích cực. Rồi mái tóc ngang vai ấy ngắn dần, cho đến một ngày tôi nhìn thấy hình ảnh cô quấn chiếc khăn màu hồng thật đẹp quanh đầu...

Đó là lúc tôi nhận ra cô đang mang trong mình căn bệnh ung thư vú, phải đối mặt với những cơn đau, những đợt xạ trị làm tóc cô rụng dần. Nhưng nụ cười chưa bao giờ tắt trên gương mặt của người chiến binh dũng cảm.

Sau khi qua đời, em gái của cô là Nguyễn Thủy Tiên đã nối tiếp hành trình của chị gái, dành toàn bộ thời gian, công sức để tiếp tục phát triển Mạng lưới với hàng loạt chiến dịch, dự án để nâng cao nhận thức và hỗ trợ người bệnh.

Thường xuyên theo dõi các hoạt động của Mạng lưới Ung thư vú và sau rất nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện những "chiến binh K", tôi ước mình có thể làm gì đó để sẻ chia với họ. 

Và tôi biết đến Thư viện tóc của Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam, là chương trình tóc giả thực hiện từ nguồn tóc thật do cộng đồng đóng góp, cung cấp miễn phí cho bệnh nhân ung thư nghèo, mất đi mái tóc do hóa trị.

"Cái răng, cái tóc là góc con người" - tôi luôn nhớ lời cha dặn, con gái phải biết giữ lấy và yêu thương mái tóc của mình. Tôi yêu mái tóc dài, thường thì cắt tỉa lên một chút cho tóc bớt khô, xơ ở phần ngọn, chưa một lần dám thử với mái tóc ngắn hẳn.

Nhưng khi nhìn thấy nụ cười và cả giọt nước mắt hạnh phúc của những nữ chiến binh K được đội lên đầu mái tóc mới, tôi đã biết mình có thể hành động.

Mái tóc của tôi đang trên hành trình được sống lần thứ 2 - Ảnh 3.

Tôi có mái tóc ngả vàng tự nhiên. Khi quyết định cắt tóc, tôi chỉ sợ không đáp ứng được tiêu chuẩn của Mạng lưới nên đã gửi kèm lời nhắn đến ban tổ chức. Thật may là mái tóc của tôi đang trên hành trình được "sống lần thứ 2" - Ảnh: THANH AN

Tôi đã nuôi dưỡng mái tóc vàng tự nhiên, đợi ngày mái tóc dài theo đúng tiêu chuẩn để gửi tặng món quà đến cho các cô, các chị "chiến binh" dũng cảm đang chiến đấu với căn bệnh ung thư.

Cho đến những ngày tháng 3 tràn ngập yêu thương Ngày Quốc tế phụ nữ, tôi quyết định từ giã mái tóc dài óng ả.

Tôi nhớ giây phút cắt đi mái tóc yêu thương, hình ảnh về nụ cười của "chiến binh" dũng cảm Thương Sobey ngày nào đứng trên bục giảng trong ký ức dội về.

Hơn 5 tháng gửi mái tóc qua đường bưu điện, tôi hồi hộp chờ đợi và không biết mái tóc của mình có phù hợp với tiêu chuẩn của Mạng lưới hay không.

Lo lắng vì mái tóc của mình có màu ngả vàng tự nhiên giống như tóc nhuộm, tôi còn cẩn thận đính kèm tờ giấy ghi rõ "nguồn gốc" mái tóc kèm tấm thiệp gửi lời chúc yêu thương đến người nhận tóc.

Hôm nay tôi không giấu được niềm vui khi mái tóc dài của mình đang trên hành trình được "sống lần thứ 2", trao yêu thương đến với các mẹ, các chị trong những ngày tháng 10 - Ngày hạnh phúc của phụ nữ Việt Nam.

Hy vọng phần tóc của tôi sẽ mang đến niềm vui, hạnh phúc cho bệnh nhân. Mong người nhận sẽ luôn mỉm cười, nhìn thấy mình trong gương thật đẹp và thật hạnh phúc.

Các bạn trẻ có thể gửi tặng tóc tại địa chỉ 122/11 Phổ Quang, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Hoặc truy cập đường link https://bcnv.org.vn/chuong-trinh-thu-vien-toc/ để tìm hiểu các thông tin chi tiết.

Cô Thương Sobey phát hiện mình mắc ung thư vú giai đoạn 4, di căn xương sau lễ ăn hỏi ít ngày, chỉ vài tháng sau khi bước qua tuổi 30. Do không có triệu chứng gì cụ thể ngoài chứng sưng nhẹ ở cẳng tay, cô đã mất rất nhiều thời gian "gõ cửa" các bệnh viện khác nhau để có được chẩn đoán chính xác.

Quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh khiến cô nhận ra phụ nữ Việt Nam nói chung và bệnh nhân ung thư vú nói riêng đang thiếu thốn nghiêm trọng những kiến thức, thông tin cần thiết về căn bệnh này. Chính điều đó đã thôi thúc cô thành lập Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam.

Ung thư không còn là Ung thư không còn là 'án tử', xin đừng bỏ cuộc!

TTO - 'Gặp lại các cháu tôi rất vui, có cháu đã đi làm, đi du học, sống khỏe mạnh, cháu điều trị sớm nhất mà tôi gặp ở đây là từ 18 năm trước và nay đã trưởng thành' - TS Bùi Ngọc Lan, giám đốc Trung tâm ung thư Bệnh viện Nhi trung ương, nói.

Nguồn bài viết