Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN
Từ hồi ba mất, má hay ngồi bấm đốt ngón tay, ngó mông lung ra ngã ba đường. Ông bà xưa nói vợ chồng nhất gái lớn 2, nhì trai lớn 1. Má cứ dùng dằng, phải chi ông trời công bằng hơn xíu, sao nỡ kêu ba bỏ má đi sớm. "Ổng còn thua má 2 tuổi lận mà!".
Hồi ba mới mất, tôi không dám nhìn thẳng vào mắt má. Bởi trong đôi mắt đã kéo những rèm mây trắng đục đó lúc nào cũng chực chờ những giọt nước héo hon sắp rơi ra. Trong mấy đứa con, tôi giống má nhất ở cái khoản chịu đau, chịu thương, chịu trầm mình trong những nỗi buồn riêng mang.
Bốn mươi chín ngày đầu tang ba, lần cúng thất nào tôi cũng quỳ sau lưng má. Không nghe tiếng má khóc, nhưng tôi biết nước mắt má chảy ròng - khi nhìn những sợi tóc bạc run run trên mái đầu trắng xóa trước mặt mình.
Tôi khi ấy, dù đã cố kìm lòng rằng phải bình tâm đón nhận mọi thứ. Cuộc sống mà, được và mất, ở và đi, không phải ta muốn là có thể định đoạt thay tạo hóa. Biết vậy, nhủ lòng vậy mà vẫn thấy không cam tâm. Và tôi biết má mình cũng vậy.
Sợ má nặng lòng, chị em tôi bàn bạc thay đổi vị trí đồ đạc trong nhà để má bớt nhìn vật nhớ người. Bộ sofa cũ kỹ ba má mua từ hồi dọn về căn nhà này, bị mèo cào rách hết lớp da bọc, khung sườn cũng sụm đi vài chỗ được tiễn ra xe rác.
Chiếc ghế xếp dài tôi mua cho ba nằm nghỉ ngơi, mấy hôm làm đám phải để tạm ngoài đường rồi sau ai lấy cũng không hay... Vậy đó mà má giận, lẫy hờn đâu cũng một thời gian. "Đồ của ổng, tụi bây không xài thì để má xài. Mắc chi đem bỏ?".
Ba đi rồi, nhà chỉ còn lại má với em trai tôi. Tôi ở riêng, thời gian đầu còn thường xuyên tới lui trông nom thăm chừng, an ủi má. Sau công việc, con cái đã lấy hết quỹ thời gian rảnh rỗi hiếm hoi của tôi. Má đã qua cú sốc mất ba, chúng tôi cũng đỡ lo hơn.
Nhưng mới đây, có một việc khiến tôi phải giật mình nghĩ ngợi.
Má rất minh mẫn, việc lớn nhỏ gì cũng nhớ vanh vách, khác biệt hẳn với những người cùng tuổi má. Nhưng hôm nọ, má ra ngoài, bấm ổ khóa cửa xong mới biết mình bỏ quên chìa khóa trong phòng ngủ.
Má tìm đến chỗ ông thợ sửa ổ khóa, nhờ tới mở ổ khóa nhà giúp. Nhưng ông thợ một mực từ chối với lý do chỉ có mình má ở nhà, rủi có xảy ra mất mát gì, ông bị liên lụy thì sao?
Vậy là má lụm cụm đi bộ hơn cây số lên tận nhà tìm tôi, kêu tôi đi tìm thợ mở ổ khóa cho bằng được. Thấy má lên nhà, tôi thật sự lo sợ. Đường lên nhà tôi xe tải chạy bất chấp giờ giấc, rần rần suốt. Mắt má đã kém lắm rồi, qua đường, rủi chẳng may...
Tôi năn nỉ má ở chơi nhà mình, chờ chiều thằng em về ghé rước má về luôn. Bà vẫn một mực đòi về nhà vì "bỏ mình ba mày ở nhà".
Sau hôm đó, tôi phải thu xếp cho đứa con lớn về ở với má dịp cuối tuần hoặc bất cứ khi nào có thể. Thời gian của chúng tôi có thể lấp đầy được, nhưng với má, mỗi một ngày trôi qua như một hạt cát bay vào sa mạc rồi.
Tôi không có thói quen đi chùa dịp Vu Lan, nhưng tâm luôn nhắc nhở rằng mình phước lớn khi còn má. Rồi dốc hết lòng mình ra thương má. Ai đang còn má, ráng thương đi. Bởi mai kia mốt nọ, biết đâu má không thèm làm má mình nữa, mà má là má của trăm năm...