Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) trong cuộc gặp trực tuyến ngày 26-1 với Thống tướng Min Aung Hlaing - người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar - Ảnh: REUTERS
"Chúng tôi nhận thấy rằng trong khi có một số thảo luận mang tính xây dựng liên quan việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm, hai thành viên ASEAN đã đề nghị đặc phái viên gặp gỡ các hiệp hội bất hợp pháp và các nhóm khủng bố", Bộ Ngoại giao Myanmar đặt vấn đề trong thông cáo ngày 21-2.
Phía Myanmar nhấn mạnh việc đề xuất đặc phái viên tiếp xúc với các nhóm như vậy "không chỉ trái với các nguyên tắc của Hiến chương ASEAN mà còn làm suy yếu các nỗ lực chống khủng bố của ASEAN".
Đây là phản ứng công khai đầu tiên của chính quyền quân sự Myanmar sau Hội nghị hẹp các ngoại trưởng ASEAN tại Campuchia hồi tuần trước. Đại diện của chính quyền quân sự đã không tham dự sự kiện này, theo Hãng tin Reuters.
Sau cuộc họp ngoại trưởng, phía Indonesia đã kêu gọi cho phép đặc phái viên ASEAN gặp tất cả các bên ở Myanmar, nhấn mạnh đây là điều kiện quan trọng để giảm bớt căng thẳng và bạo lực.
Malaysia thì kêu gọi chính quyền quân sự đàm phán với Chính phủ Thống nhất quốc gia (NUG), một nhóm bao gồm các thành viên của chính quyền dân sự bị lật đổ và những người chống quân đội.
Hiện có rất ít tiến triển trong việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm mà chính quyền Myanmar đã thống nhất với ASEAN.
Trong cuộc họp đặc biệt hồi tháng 4 năm ngoái, các nhà lãnh đạo thống nhất sẽ cử một đặc phái viên đến Myanmar để hỗ trợ hòa giải các bên, chấm dứt các hành động bạo lực. Đặc phái viên hiện tại là Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn.
Nhà ngoại giao Campuchia này thừa nhận việc gặp gỡ các nhân vật của NUG là rất khó và phức tạp, xét đến sự phản đối của chính quyền quân sự. Tuy nhiên theo ông Prak Sokhonn, đặc phái viên ASEAN sẽ cố gắng làm vai trò "cầu nối".
Ngoại trưởng thứ hai của Brunei*, người giữ vai trò đặc phái viên hồi năm ngoái, đã không thể đến Myanmar khi kiên quyết giữ yêu cầu gặp tất cả các bên liên quan. Trong số này có bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo dân sự bị lật đổ và đang đối mặt với các tội danh hình sự.
Myanmar rơi vào tình trạng mất ổn định sau cuộc binh biến tháng 2-2021. Phía quân đội cáo buộc chính quyền của bà Aung San Suu Kyi gian lận bầu cử nên đã bắt giữ các lãnh đạo dân sự.
Các cuộc biểu tình sau đó nổ ra khắp nơi, chiến sự cũng bùng nổ giữa quân đội với các nhóm vũ trang của người thiểu số.
* Ở Brunei, Quốc vương Hassanal Bolkiah kiêm luôn ngoại trưởng nên nước này có chức danh Ngoại trưởng thứ hai, đồng cấp với ngoại trưởng các nước khác.