Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về vấn đề Myanmar - Ảnh: UN.ORG
"Tôi vừa đến Bangkok để nói chuyện. Tiếc là quân đội Myanmar trả lời rằng họ chưa sẵn sàng đón tiếp tôi. Tôi thì đã sẵn sàng để đối thoại. Bạo lực không bao giờ dẫn đến một giải pháp bền vững hòa bình", bà Burgener viết trên tài khoản Twitter của mình ngày 9-4.
Hãng tin AFP dẫn lời các quan chức Liên Hiệp Quốc nói bà Burgener muốn đến Myanmar để gặp trực tiếp các tướng lĩnh nước này.
"Chúng tôi chưa cho phép chuyện đó. Chúng tôi cũng không có kế hoạch cho chuyện đó ở thời điểm này", người phát ngôn quân đội Myanmar, Zaw Min Tun, tuyên bố.
Bà Burgener đang có chuyến công du các nước châu Á để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Ngoài Thái Lan, bà dự kiến sẽ đến Trung Quốc, tuy nhiên thông tin chính xác về lịch trình của bà chưa được xác nhận.
Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế lo ngại về tình hình ở Myanmar với các cuộc biểu tình liên tiếp kể từ sau khi quân đội nước này đảo chính ngày 1-2.
Cũng trong ngày 9-4, Đại sứ quán Trung Quốc cho biết đang tiếp xúc với "tất cả các bên" ở Myanmar để thúc đẩy giải quyết khủng hoảng.
"Mục đích của Trung Quốc là muốn đóng một vai trò trong việc thúc đẩy hòa bình và thảo luận, hạ nhiệt tình hình và duy trì ổn định ở Myanmar, giải quyết khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn, tiếp tục quá trình chuyển đổi dân chủ", Hãng tin Reuters dẫn lời cơ quan ngoại giao Trung Quốc.
Trong khi đó, chính quyền quân sự Myanmar cho biết đang nỗ lực hợp tác với nước ngoài và các nước láng giềng để đạt được hòa bình và an ninh trên toàn quốc. Theo đó, hoạt động của các bộ và chính phủ sẽ sớm trở lại bình thường trong bối cảnh các cuộc biểu tình suy yếu dần.
Theo ông Zaw Min Tun, mọi hoạt động thương mại quốc tế của Myanmar vẫn diễn ra bình thường và những thông tin nói cộng đồng quốc tế không công nhận chính phủ quân sự đều là giả mạo.