Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh SCO tại Samarkand, Uzbekistan, hôm 16-9 - Ảnh: REUTERS
Cảnh báo được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra trong cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào hôm 16-9. Trước đó, ông Putin cũng từng lên án thỏa thuận này là "một sự lừa dối trắng trợn khác".
Diễn biến mới nhất tại SCO cho thấy đã có những trục trặc trong thỏa thuận quan trọng vốn được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Thỏa thuận bị vi phạm?
Matxcơva dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine với lý do các chuyến hàng ngũ cốc không được đưa đến những nơi cần đến.
Đây không phải lần đầu tiên ông Putin than phiền về thỏa thuận này. Tuần trước, phát biểu vào ngày 7-9 tại Diễn đàn kinh tế phương Đông ở Vladivostok (Nga), nhà lãnh đạo Nga nói hầu như tất cả ngũ cốc xuất đi từ Ukraine theo thỏa thuận đã không được đưa đến các nước nghèo nhất (như ở Trung Đông và châu Phi) - những nơi vốn cần nhất, mà là đến các nước châu Âu.
Ông Putin cho biết trong số khoảng 120 chuyến tàu chở ngũ cốc rời các cảng Ukraine tính đến giữa tuần này, chỉ có ba tàu đến các nước nghèo nhất theo chương trình lương thực của Liên Hiệp Quốc, và họ chỉ nhận 4,5% số ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine. Trong khi đó, khoảng 35 tàu chở ngũ cốc từ Ukraine đi tới các nước châu Âu.
Ông Putin cũng lưu ý hầu hết ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine thuộc về các công ty Mỹ sở hữu đất đai tại đây.
Thỏa thuận ngũ cốc nói trên, do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, được ký kết trong tháng 7 để nối lại việc xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua biển Đen với kỳ vọng sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Putin khiến giới quan sát lo ngại về khả năng duy trì thỏa thuận này.
Đáng chú ý, việc Nga dọa rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc trùng với thời điểm lực lượng Ukraine đang có cuộc phản công thành công ở tỉnh Kharkov và mức dự trữ khí đốt ở châu Âu đang tăng lên đáng kể trước nỗi lo Nga siết chặt dòng chảy khí đốt xuất sang châu lục này. Do đó, Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (CEIP) còn cho rằng có khả năng Nga đang sử dụng thỏa thuận ngũ cốc như một công cụ khác để gây thêm sức ép lên phương Tây.
Chưa rõ Nga sẽ rút khỏi thỏa thuận này hay không, nhưng thỏa thuận ngũ cốc ký giữa Nga và Ukraine vẫn sẽ kết thúc vào tháng 11 (tức 120 ngày sau khi ký) nếu không được gia hạn.
Lại lo giá lương thực tăng
Lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine đã sụt giảm mạnh kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra hồi tháng 2, do các cảng ở biển Đen - tuyến đường biển trọng yếu cho hàng hóa xuất đi - bị phong tỏa. Sự việc đã đẩy giá lương thực toàn cầu tăng cao và gây lo ngại về tình trạng thiếu hụt lương thực ở châu Phi và Trung Đông.
Ba cảng ở biển Đen đã được mở lại vào cuối tháng 7, theo thỏa thuận ngũ cốc giữa Nga và Ukraine. Ngay sau khi thỏa thuận ngũ cốc được ký kết, hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đã được khôi phục đáng kể. Hôm 14-9, Bộ Cơ sở hạ tầng của Ukraine cho biết đã có 134 chuyến tàu chở 3,1 triệu tấn nông sản khác nhau rời các cảng của Ukraine theo thỏa thuận đã nêu.
Theo ông Andriy Sizov - người đứng đầu trung tâm phân tích SovEcon, dự kiến Ukraine xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn ngũ cốc trong tháng 9 - cách không xa mức 6-7 triệu tấn mà nước này xuất khẩu trước chiến tranh và nhiều hơn đáng kể so với mức 1-5 triệu tấn mà Ukraine đã nỗ lực xuất khẩu trước khi thỏa thuận ngũ cốc được ký kết.
Tuy nhiên, nếu Nga rút khỏi thỏa thuận này, sự việc sẽ không chỉ giáng đòn mạnh vào Ukraine mà còn với cả Liên minh châu Âu. Với Ukraine, nước này sẽ bị mất một nguồn thu lớn. Trong khi đó, ngũ cốc Ukraine bị kẹt tại các cảng sẽ khiến giá lúa mì và nhiều loại ngũ cốc tăng cao, kéo theo lạm phát tăng ở châu Âu. Giá lương thực đang là yếu tố lớn thứ hai thúc đẩy lạm phát ở châu Âu sau giá năng lượng.
Hiện nay, tình trạng hạn hán ở Nam Âu và nhiều nơi khác gây ảnh hưởng đáng kể tới năng suất hoa màu cũng như đang khiến nhu cầu về ngũ cốc Ukraine tăng rất cao trên thị trường toàn cầu. Do đó, theo báo Wall Street Journal, nếu thỏa thuận ngũ cốc sụp đổ thì nó sẽ gây ra một đợt tăng giá lương thực toàn cầu đột biến khác vào thời điểm khoảng 50 triệu người đã và đang đối mặt với nạn đói nghiêm trọng trong năm nay.
Vai trò của thỏa thuận ngũ cốc
Tuần này, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định thỏa thuận ngũ cốc ký kết giữa Nga và Ukraine hồi tháng 7 đã giúp giảm giá lương thực toàn cầu và đưa hơn 2,7 triệu tấn ngũ cốc ra thị trường thế giới kể từ đầu tháng 8.
Tuy nhiên, họ cảnh báo nếu cơ sở hạ tầng nông nghiệp ở Ukraine tiếp tục bị tàn phá trong chiến tranh thì "tiến triển về an ninh lương thực toàn cầu sẽ bị đe dọa".