Một bạn trẻ ném "bom" hạt giống xuống khu vực rừng cần tái sinh - Ảnh: KHÔI MINH
Trong tháng 5 và 6-2021, nhóm bạn trẻ này đã nhiều lần tổ chức "ném bom" hạt giống ven quốc lộ 27 (nối Đắk Lắk và Lâm Đồng) và chỉ ít lâu sau đã có những mầm xanh hy vọng.
Một quả "bom" là một hy vọng
Anh Phạm Quang Thái, ủy viên Hội Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường khu vực Tây Nguyên, tóm tắt về cấu tạo của những quả "bom": đất thịt trộn phân hữu cơ, vỏ trấu bên ngoài có bọc nhiều loại hạt giống của những loại cây có sức sống tốt, chịu hạn cao nhưng trước khi mang đi "ném" vẫn được tưới nước giữ ẩm thêm.
"Khi hạt giống nảy mầm, những tầng tán rừng được tạo nên, sớm mang lại lợi nhuận nên người dân sẽ giữ lại và những khu rừng bị tàn phá được tái sinh" - anh Thái nói về mục đích "ném bom" của nhóm.
Những người chủ chốt của nhóm thiện nguyện này đã tuyển lựa rất kỹ, nghiên cứu từng vùng đất phù hợp với các loại cây rồi mới bắt tay vào thực hiện.
Những "quả bom" sau khi được tạo ra sẽ được các bạn trẻ dùng túi xách, gùi mang theo, đi bộ lên những khoảng đất trống, đồi trọc cùng theo mơ ước.
Theo anh Thái, việc tái sinh rừng bằng "bom" hạt giống xuất hiện ở Ấn Độ đầu tiên, nhưng do đặc thù và điều kiện khác nhau, một số nước dùng máy bay rải hoặc dùng máy bắn "bom" vương vãi khắp rừng để chúng tự sinh trưởng.
"Ở một số khu vực khắc nghiệt, chúng tôi sẽ đào lỗ "chôn bom" để tăng khả năng nảy mầm’, anh Thái nói thêm.
Cùng tham gia trong nhóm tình nguyện, bạn Hạ Vi (22 tuổi, TP Buôn Ma Thuột) chia sẻ khi nghe thông tin về việc rải "bom" hạt giống để tái sinh rừng, bạn đã rất thích thú tham gia.
Vi nói được tham gia cùng các bạn trẻ từ công đoạn tạo "bom", mang "bom" đi ném rất thú vị và tin tưởng vào ý nghĩa của công việc này. "Lang thang khắp đồi núi thả "bom" hạt giống cũng là một cách tập thể dục nữa", Vi hóm hỉnh chia sẻ.
Các bạn trẻ, trong đó có nhiều trẻ em, tham gia chế tạo “bom” hạt giống - Ảnh: KHÔI MINH
Một hạt giống đã nảy mầm sau khi được ném xuống rừng trống - Ảnh: KHÔI MINH
Gieo mầm xanh, gieo cả ý thức tốt
Từ ý tưởng tái sinh rừng bằng "bom" hạt giống của các bạn trẻ, một số đơn vị du lịch, thiện nguyện đang bắt tay để thiết kế tour du lịch trồng rừng.
Anh Phạm Thanh Tuấn, nhà sáng lập Công ty xã hội Bồ Công Anh (TP Buôn Ma Thuột), cho rằng cái được lớn nhất trong việc rải "bom" hạt giống không chỉ là số mầm xanh được tái sinh mà qua đó gieo vào ý thức mỗi học sinh, bạn trẻ về bảo vệ môi trường sinh thái.
"Vì thế, chúng tôi đang có ý tưởng sẽ biến các chương trình rải "bom" hạt giống thành sản phẩm du lịch để nhiều người được trải nghiệm, góp phần cải tạo môi trường", anh Tuấn nói.
Trong các chương trình vừa qua, ngoài "bom" hạt giống, nhiều bạn trẻ đã leo dốc, leo đồi cao với một ít cây giống mang theo.
Theo sự chỉ dẫn của cán bộ địa phương và kiểm lâm địa bàn (mà ban tổ chức đã liên hệ trước), các bạn trẻ sẽ tự tay trồng những cây giống này. "Trên mỗi cây giống là một mã định danh của người mang, người trồng cây", anh Tuấn cho biết.
Du khách tham gia du lịch trồng rừng tự tay trồng và treo mã định danh của mình trên cây - Ảnh: KHÔI MINH
Tây Nguyên có nhiều loại cây ăn trái có khả năng thích nghi với môi trường nên nhóm có kế hoạch truyền thông đến người dân sau khi ăn trái thì cho nhóm xin hạt để tạo "ngân hàng" hạt giống. Hạt giống và cây trồng sẽ theo chân những nhóm thiện nguyện, nhóm du lịch đi khắp những khu rừng đã bị phá hoại để tái sinh.
"Nếu mai này những cây, hạt giống tụi mình gieo thành những cây rừng, phủ xanh được những quả đồi thì việc làm hôm nay thật ý nghĩa" - bạn Phan Duy Nghĩa (học sinh lớp 11 ở TP Buôn Ma Thuột) hào hứng nói.
Chia sẻ cảm xúc này, ông Phạm Chí Ta, giám đốc Công ty Lữ hành cao nguyên Việt Nam, cho biết đơn vị cũng đang muốn biến ý tưởng rải "bom" hạt giống thành sản phẩm du lịch.
Ông Ta nói sẽ còn nhiều việc phải làm về thủ tục, với nhiều ban ngành về tính pháp lý tại những khu đất để gieo trồng, nhưng ông rất tin tưởng những hành động đẹp sẽ được hiện thực trong nay mai.
"Tôi thường có những chuyến khảo sát rừng để tổ chức các tour du lịch nên có cơ hội làm việc với nhiều chủ rừng, ban quản lý dự án. Hy vọng việc kết nối các nhóm du lịch đến những khu rừng đang bị ảnh hưởng để rải "bom" hạt giống, trồng rừng sẽ thuận lợi.
Ý tưởng tour du lịch trồng rừng sẽ đem lại thú vị cho du khách vì vừa được trải nghiệm, lao động lại còn góp sức nhỏ của mình cho môi trường", ông Ta phân tích.
Trong quả “bom” rất nhiều “bi” hạt giống - Ảnh: KHÔI MINH
Nhiều du khách, có cả khách nhí, cũng tham gia tour du lịch trồng rừng vào cuối tuần - Ảnh: TÂM AN
Cần ủng hộ ý tưởng nhân văn này
Ông Đỗ Xuân Dũng, phó giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, cho biết ông đã nghe thông tin một số nhóm bạn trẻ tham gia các chương trình thiện nguyện tái sinh rừng, bảo vệ môi trường bằng "bom" hạt giống. Trong bối cảnh rừng đang suy kiệt, cần nâng cao độ che phủ như hiện nay thì những hành động đẹp, ý nghĩa và nhân văn này cần được ủng hộ, nhân rộng.
Theo ông Dũng, việc các nhóm trẻ, các doanh nghiệp làm du lịch nâng ý tưởng này thành các tour du lịch lại càng ý nghĩa vì sẽ giúp phủ xanh đất trống đồi núi trọc nhiều hơn, gieo ý thức bảo vệ rừng rộng khắp hơn.
"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng tái sinh rừng này. Các bạn trẻ, doanh nghiệp khi có nhu cầu, có tour hãy liên hệ với các chủ rừng, ban quản lý các dự án, chúng tôi sẽ hỗ trợ ngay", ông Dũng cam kết.