Microsoft hy vọng thế chân Google tại Australia

3 năm trước 799
Chú thích ảnhẢnh minh họa: The Sociable

Trong tuyên bố đưa ra ngày 3/2, Chủ tịch Microsoft Brad Smith khẳng định hoàn toàn ủng hộ dự luật mới của Australia nhằm yêu cầu các hãng công nghệ trả phí cho các hãng tin tức. Tuyên bố khẳng định Microsoft "sẵn sàng tuân thủ quy định này" nếu Chính phủ Australia yêu cầu.

Theo ông Smith, dự luật trên là giải pháp hợp lý nhằm giải quyết tình trạng mất cân bằng quyền lực giữa các nền tảng kỹ thuật số và các hãng báo chí và là "một biện pháp cơ bản hướng tới một sân chơi bình đẳng hơn và một hệ sinh thái kỹ thuật số bình đẳng hơn cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và xã hội".

Ông Smith nhấn mạnh: "Một điều rõ ràng rằng: dù các công ty công nghệ khác có thể đôi lúc cảnh báo sẽ rời khỏi Australia, Microsoft sẽ không bao giờ đưa ra lời đe dọa này".

Chủ tịch Microsoft cũng cho biết hãng này sẵn sàng cải tiến công cụ tìm kiếm của mình là Bing và chào đón các nhà quảng cáo Australia đến với nền tảng này "mà không có chi phí chuyển nhượng".

Thừa nhận năng lực còn khiêm tốn của Bing, ông Smith cam kết Microsoft sẽ "đầu tư hơn nữa để đảm bảo Bing có thể cạnh tranh với các đối thủ". Ông cũng cho biết đã cùng Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella thảo luận về đề xuất trên với Thủ tướng Australia Scott Morrison. Trong cuộc trao đổi này, ông Nadella đã khẳng định với công cụ tìm kiếm hiện có Bing, Microsoft hoàn toàn đủ năng lực để lấp chỗ trống nếu Google ngừng dịch vụ tìm kiếm tại Australia.

Theo dự luật có tên Luật Đàm phán truyền thông, Google và Facebook sẽ phải thương lượng trả các khoản phí cho các hãng báo chí để sử dụng nội dung tin tức trên các nền tảng của mình. Nếu không thể đạt được thỏa thuận về các khoản phí, vấn đề này sẽ được đưa ra trọng tài phân xử và mỗi bên đề xuất số tiền nhất định. Trọng tài sẽ xem xét và lựa chọn phương án của một trong hai bên. 

Các công ty truyền thông hàng đầu của Australia như News Corp và Nine Entertainment cho biết ước tính khoản phí này phải lên tới hàng trăm triệu USD/năm. Tuy nhiên, Google và Facebook đều chỉ trích kế hoạch này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng mô hình kinh doanh của họ và hoạt động của mạng Internet. Facebook đã cảnh báo sẽ dừng việc cho phép người dùng đăng tải các đường link đến các tin tức của Australia nếu văn kiện trên trở thành luật.

Các hãng truyền thông trên khắp thế giới đã phải chứng kiến hoạt động kinh doanh bị "tàn phá" năng nề vì mất doanh thu từ quảng cáo, vốn từng "đổ" vào các tờ báo của họ, nhưng giờ đây lại do các nền tảng kỹ thuật số lớn chiếm lĩnh. Hàng nghìn việc làm của các phóng viên đã "bốc hơi" và nhiều hãng tin tức tại Australia buộc phải đóng cửa trong thập kỷ qua.

Trong khi đó, cả Facebook và Google đều khẳng định họ sẵn sàng trả tiền cho các hãng tin tức thông qua các thỏa thuận nhượng quyền và các cuộc đàm phán thương mại. Hai tập đoàn công nghệ này đã ký các thỏa thuận trị giá hàng triệu USD với các hãng tin tức trên khắp thế giới

Theo Ủy ban Cạnh tranh và người tiêu dùng Australia, Google chiếm tới 94% thị phần quảng cáo tại nước này. Trong khi đó thị phần của Microsoft chỉ là 3,7%. Giới quan sát nhận định với nền tảng cộng nghệ và công cụ tìm kiếm sẵn có, Microsoft đã mong muốn được mở rộng thị trường tại Australia. Bất đồng giữa Google và Facebook với Chính phủ Australia đang mở ra cơ hội để Microsoft hiện thực hóa ý định trên.

Nguồn bài viết