Metaverse thu hút tập đoàn lớn thứ ba Hàn Quốc

3 năm trước 413

Theo Bloomberg, một trong những tập đoàn lớn và lâu đời nhất Hàn Quốc trong ngành công nghiệp truyền thống đang thực hiện một bước nhảy vọt vào lĩnh vực non trẻ, với mục tiêu tăng trưởng tiếp theo đầy tham vọng: metaverse.

Metaverse thu hút tập đoàn lớn thứ ba Hàn Quốc - ảnh 1
SK đang nỗ lực để tránh bị tụt lại phía sau trong lĩnh vực metaverse và tiền điện tử

Reuters

Trong một cuộc phỏng vấn, Giám đốc điều hành Huh Seok-joon cho biết SK Square, chi nhánh đầu tư của tập đoàn SK Group khổng lồ, đã tách cổ phiếu riêng vào tháng trước, với mong muốn mọi danh mục đầu tư của công ty đều có sự hiện diện của siêu vũ trụ ảo “metaverse”. Khách hàng sẽ có thể sử dụng tiền điện tử để mua sắm, phát trực tuyến và thực hiện các giao dịch khác với cộng đồng metaverse.

Các tập đoàn trên toàn thế giới đang đặt cược vào metaverse, môi trường ảo được hình dung là nơi mọi người có thể tương tác với internet và những thứ khác, thay thế trình duyệt web và ứng dụng di động. SK Square đang nỗ lực để tránh bị tụt lại phía sau những đối thủ cạnh tranh trẻ hơn, nhanh nhẹn hơn. Tập đoàn lớn thứ ba Hàn Quốc đã mua 35% cổ phần trong một sàn giao dịch tiền điện tử vào tháng trước, và một trong những chi nhánh của SK Group đang có kế hoạch phát hành tiền điện tử cho nền tảng metaverse do SK Telecom điều hành có tên là “ifland” trong nửa đầu năm tới.

“Doanh nghiệp của chúng tôi cần phải phát triển thành metaverse. Giao diện mới của chúng tôi giữa các khách hàng sẽ chuyển từ điện thoại di động sang metaverse và tiền điện tử sẽ được sử dụng làm tiền tệ mới trên nền tảng của chúng tôi”, ông Huh nói.

SK Square đang tham gia vào lĩnh vực vốn đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ của Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, và các đối thủ trong nước như Naver Corp và Kakao Corp. Tuy nhiên, khoản đầu tư vào metaverse có thể sẽ mất nhiều năm để thành công, vì hiện tại công nghệ và phần mềm cần thiết về metaverse vẫn còn non trẻ. Động thái đầu tư nhanh như trên hiếm khi xảy ra ở các tập đoàn chaebol Hàn Quốc, vốn do gia đình kiểm soát và phụ thuộc vào lĩnh vực sản xuất truyền thống trong nhiều thập niên.

Vào ngày giao dịch đầu tiên trong tuần trước, SK Square đã công bố đầu tư 90 tỉ won (khoảng 76 triệu USD) vào sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ tư Hàn Quốc Korbit. Mặc dù thị phần của Korbit tại thị trường Hàn Quốc chỉ chiếm khoảng 0,3%, nhưng SK Square đã xem đây là cách tốt để tham gia kinh doanh tiền điện tử với mức định giá rẻ. Dunamu, công ty mẹ của công ty trao đổi tiền điện tử hàng đầu của Hàn Quốc Upbit, có mức định giá khoảng 17.800 tỉ won, theo sàn giao dịch chứng khoán chưa niêm yết Seoul Exchange.

Đầu tư của SK Square diễn ra khi Hàn Quốc đang thắt chặt quy định về hoạt động tiền điện tử, xây dựng luật liên quan đến bảo vệ nhà đầu tư và đưa ra hình phạt đối với hành vi bất hợp pháp. Nước này đã đóng cửa hàng chục sàn giao dịch tiền điện tử và chỉ chấp thuận một số sàn giao dịch lớn, bao gồm Korbit. Người tham gia yêu cầu phải đăng ký bằng tên thật và tài khoản ngân hàng để giao dịch.

Tuy nhiên, SK Square vẫn nỗ lực vượt lên phía trước, cân nhắc đầu tư vào các công ty trao đổi tiền điện tử nước ngoài với tầm nhìn thiết lập một hệ sinh thái tiền điện tử quốc tế. Hãng này cũng sẽ xem xét mua tiền điện tử bao gồm cả Bitcoin, nếu các hạn chế địa phương đối với đầu tư trực tiếp vào tài sản tiền điện tử được dỡ bỏ. “Tôi không nghĩ bản thân tiền điện tử là một tài sản đầu cơ. Chúng tôi nhận thức được sự biến động giá và cần phải cẩn thận. Nhưng sẽ không hợp lý khi loại trừ tiền điện tử như một lựa chọn đầu tư”, ông Huh nói.

Theo Bloomberg, SK Square là cổ đông lớn nhất của tập đoàn chip khổng lồ SK Hynix. Các công ty nằm trong danh mục đầu tư khác của SK bao gồm công ty chợ ứng dụng One Store, trung tâm mua sắm trực tuyến 11street và nhà cung cấp dịch vụ gọi xe Tmap Mobility.

Nguồn bài viết