Masan đang sở hữu gần 3.000 điểm bán WinMart, WinMart+ trên toàn quốc.
Đáp ứng những nhu cầu tài chính chưa được trọn vẹn
Trên thực tế, nhu cầu tài chính và sản phẩm ngân hàng vẫn chưa được đáp ứng đúng mức cho một bộ phận đáng kể dân số Việt Nam. Hiện mô hình ngân hàng truyền thống không đủ khả năng mở rộng mạng lưới đến mọi miền đất nước.
Ước tính có đến 2/3 người tiêu dùng ở Việt Nam không có tài khoản ngân hàng. Do đó, các kênh cho vay tiêu dùng phi chính thức vẫn tồn tại phổ biến dù chi phí cao gấp 3-5 lần so với các khoản vay ngân hàng truyền thống.
Chỉ 2,4% dân số được tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm, còn tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng chỉ mới đạt 4%. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thâm nhập thấp như vậy là do người tiêu dùng gặp khó khăn khi tiếp cận các kênh ngân hàng chính thức do các rào cản về thủ tục đăng ký và chứng minh thu nhập, chi phí phục vụ của ngân hàng cũng ở mức cao.
Hướng đến phục vụ đời sống tiêu dùng của khách hàng Việt Nam, Masan đặt mục tiêu giải quyết những vấn đề khó khăn này bằng cách sử dụng mạng lưới phân phối Online-to-offline và số hóa hồ sơ khách hàng thông qua chấm điểm tín dụng dựa trên AI (trí tuệ nhân tạo) và ML - Machine Learning (máy học).
Masan xây dựng hệ sinh thái Tiêu dùng - Công nghệ Point of Life
Vì vậy, mới đây Tập đoàn Masan đã đầu tư 65 triệu USD mua 25% cổ phần của Công ty Cổ phần Trusting Social, công ty con tại Việt Nam của Trust IQ Pte. Ltd (Trusting Social) có trụ sở tại Singapore.
Theo đó, việc hợp tác với Trusting Social góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Masan trở thành hệ sinh thái tiêu dùng - công nghệ tích hợp từ offline đến online ("O2"). Qua đó cung cấp các giải pháp ứng dụng AI và fintech trong bán lẻ và tiêu dùng, mang đến trải nghiệm vượt trội cho khách hàng.
Masan đầu tư 65 triệu USD vào Trusting Social
Việc hợp tác này được tập đoàn Masan công bố ngay trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông 2022 vừa qua. Ngay tại thời điểm ra mắt đặc biệt này, hàng ngàn khách mời trực tiếp và trực tuyến đã có dịp trải nghiệm cách mở thẻ đơn giản, dễ dàng khi truy cập vào https://masan.goevo.vn/, chỉ qua vài cú click trên điện thoại.
Vỏn vẹn chỉ sau 3 phút số lượng thẻ EVO đã eKYC (định danh khách hàng điện tử) thành công và được mở là 2.694, đạt tổng lượng hạn mức tín dụng là 815 tỉ đồng, tương đương với mức 5 tỉ đồng hạn mức/giây. Điều này cho thấy việc phê duyệt và cấp hạn mức tài chính để hỗ trợ nhu cầu tài chính của người tiêu dùng sẽ được cải thiện với hiệu suất vượt bậc.
EVO là đối tác tài chính ban đầu của hệ sinh thái Masan. Trong thời gian tới, Masan sẽ tiếp tục hợp tác với nhiều đối tác ngân hàng khác để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam.
Thỏa thuận hợp tác với Trusting Social sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi Masan trở thành hệ sinh thái tiêu dùng - công nghệ.
Được hậu thuẫn bởi các quỹ đầu tư khởi nghiệp hàng đầu như Sequoia Capital, Beenext, Tanglin Ventures, 500 Startups và Genesis Alternative Ventures, Trusting Social có thể chấm điểm tín dụng cho hơn 1 tỉ người, liên kết với hơn 170 tổ chức tài chính trên khắp Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Philippines.
Thông qua hợp tác với Masan, Trusting Social đặt mục tiêu ứng dụng AI và ML vào việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ cá nhân hóa, phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau từ nhu yếu phẩm, tài chính đến các sở thích khác của người tiêu dùng.
Giúp khách hàng chi trả ít hơn cho các dịch vụ thiết yếu
Nhờ mạng lưới bán lẻ rộng khắp toàn quốc, Masan hướng tới mục tiêu phục vụ nhu cầu tài chính của người tiêu dùng bằng cách xây dựng quy trình đơn giản để khách hàng mới dễ dàng sử dụng thông qua một dịch vụ tích hợp: một ID người dùng duy nhất (số điện thoại của Reddi chẳng hạn) tự động đồng bộ thông tin tài khoản của khách hàng mua sắm tại hệ thống WinCommerce vào một nền tảng tài chính cung cấp các giải pháp thanh toán không tiếp xúc, sản phẩm tiết kiệm, đầu tư và cho vay dựa trên công cụ AI - ML.
Trong năm 2022, Masan sẽ bắt đầu triển khai các kiosk ngân hàng số, cho phép người tiêu dùng nạp tiền, rút tiền và tiếp cận các sản phẩm tài chính, như thẻ tín dụng và bảo hiểm.
Theo đó, Masan sẽ cung cấp cho người tiêu dùng các giải pháp chi tiêu, tiêu dùng thông qua thẻ tín dụng với mức phí hợp lý. Đây là cột mốc quan trọng để Masan trở thành một nền tảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ số O2.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan
Các điểm tiếp xúc offline của Masan sẽ giúp xây dựng lòng tin của người tiêu dùng bằng cách cung cấp dịch vụ giới thiệu, tư vấn về các sản phẩm tài chính như bước khởi đầu để tham gia vào các dịch vụ ngân hàng.
Quá trình chấm điểm tín dụng, sàng lọc và đánh giá khách hàng sẽ cho phép Masan cá nhân hóa các dịch vụ tài chính như cho vay tiêu dùng, thẻ tín dụng đối tác, mua trước trả sau, giải pháp tiết kiệm và bảo hiểm cho người tiêu dùng ngoài việc tạo khách hàng tiềm năng cho các ngân hàng và tổ chức tài chính khác.
Năm 2022, Masan sẽ số hóa nền tảng từ sản xuất, hậu cần cho đến phân phối để phục vụ 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Bước đi này không chỉ giúp tối ưu 10% chi phí hoạt động mà còn vận dụng hiệu quả công nghệ AI và ML để cải thiện hoạt động vận hành.