Đại diện De Heus - Ông Gabor Fluit, tổng giám đốc De Heus Châu Á và đại diện Masan MEATLife - Ông Phạm Trung Lâm, Tổng Giám đốc Masan MEATLife hoàn tất ký kết hợp tác.
Đây được coi là tiền đề để hai bên đẩy mạnh việc chia sẻ công nghệ trong nông nghiệp và thương mại, tận dụng và phát huy lợi thế của hai doanh nghiệp lớn vì sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung.
Thức ăn chăn nuôi của Việt Nam cần sự đầu tư mạnh mẽ
Ngành chăn nuôi Việt Nam đang có sự tăng trưởng rất ấn tượng với bình quân từ 5-6%/năm. Cùng với sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp ở Việt Nam cũng đã tăng trưởng tốt, đạt bình quân từ 13-15%/năm trong 10 năm liên tiếp.
Tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp từ 10,8 triệu tấn năm 2010 đã tăng lên gần gấp đôi vào năm 2020, đạt 20,3 triệu tấn. Hiện Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp, xếp trên cả Thái Lan và Indonesia.
Nhu cầu về nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của nước ta lớn và không ngừng gia tăng mỗi năm. Nhưng trên thực tế, ngành nông nghiệp trong nước chỉ có thể cung cấp tối đa từ 4,5 - 5 triệu tấn ngô hạt, 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn sắn làm thức ăn chăn nuôi.
Trong khi đó, nhu cầu hàng năm cần tới từ 26 - 27 triệu tấn các loại, chủ yếu là ngô, đậu tương, lúa mì, dầu động thực vật và đây vốn không phải là các loại cây trồng thế mạnh của Việt Nam.
Mặc dù là một nước nông nghiệp nhưng do địa hình chủ yếu là đồi núi và tập quán canh tác nên chất lượng và năng suất của các loại nông sản phục vụ làm nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi còn thiếu về số lượng và chưa đạt về chất lượng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, các đơn vị đã tập trung nghiên cứu, ưu tiên nông sản nằm trong khối phục vụ chăn nuôi đại gia súc. Song song với biện pháp phát triển các giống cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học làm thức ăn chăn nuôi có năng suất và sản lượng cao thì việc hợp tác với đối tác nước ngoài, những doanh nghiệp đến từ quốc gia đang phát triển để học hỏi công nghệ là điều vô cùng cần thiết.
Cú bắt tay hợp tác của 2 "ông lớn"
Tham dự Lễ ký kết, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bày tỏ sự ấn tượng với việc kí kết hợp tác giữa hai tập đoàn lớn. Theo Bộ trưởng, chiến lược của hai đơn vị cũng trùng khớp với tư duy, định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Chính phủ Việt Nam.
Sự hợp tác tạo ra sự cộng hưởng sức mạnh của hai đơn vị sẽ giúp nâng cấp chuỗi ngành hàng. Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn, ngoài việc nâng cấp còn mở rộng chuỗi ngành hàng để mở ra hợp tác với các HXT, nông dân chăn nuôi, tạo ra hệ sinh thái rộng lớn hơn.
Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ tại Lễ ký kết của Masan và De Heus
Về phía Tập đoàn Masan (Công ty mẹ của Masan MEATLife) có thể thấy việc tái cấu trúc MML vốn đã nằm trong chiến lược chung mà Ông Danny Le - Tổng giám đốc Tập đoàn này từng công bố tại Đại hội đồng Cổ đông vào tháng 4 năm 2021.
Theo đó, Masan sẵn sàng hợp tác với đối tác chiến lược giàu tiềm lực và kinh nghiệm để phát huy tối đa thế mạnh, hiện thực hóa chiến lược Point of Life phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng.
Ông Danny Le - tổng giám đốc Tập đoàn Masan phát biểu tại Lễ ký kết
Tôi tin rằng quan hệ hợp tác giữa Masan MEATLife và De Heus sẽ góp phần thúc đẩy chuỗi giá trị đạm động vật của Việt Nam chuyển đổi theo hướng hiện đại hóa, sánh vai cùng các nước phát triển. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là phục vụ người tiêu dùng các sản phẩm thịt, cá đảm bảo an toàn, tươi ngon với giá cả hợp lý. Chúng tôi kỳ vọng sự hợp tác giữa hai bên sẽ mang lại những chuyển đổi mạnh mẽ, góp phần hiện thực hóa sứ mệnh nâng cao chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng Việt Nam.
Ông Danny Le - tổng giám đốc Tập đoàn Masan
Thực tế, nửa đầu năm 2021, trong từng lĩnh vực kinh doanh của mình, Tập đoàn này đã bắt tay với đối tác tên tuổi trong và ngoài nước như Alibaba, Phúc Long và đối tác lớn tiếp theo là De Heus.
De Heus có 100 năm tuổi hoạt động ở nhiều nước trên thế giới và kể từ khi gia nhập vào thị trường Việt Nam năm 2009 tới nay, De Heus đã vươn lên trở thành một trong những nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất, có uy tín trong cả nước.
Hợp tác với MML, De Heus sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, nghiên cứu, hỗ trợ nông dân thực hiện chuyên nghiệp hóa, nâng cao năng suất, quy mô trong chăn nuôi nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giá cả phải chăng, góp phần nâng cao đời sống của nông dân và người tiêu dùng Việt.
Về phía MML, Công ty đã tham gia vào lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi kể từ năm 2015 với các thương hiệu uy tín như Bio-Zeem, Anco, Proconco. Trong những năm qua, MML luôn nằm trong top 3 thị phần của các ngành thức ăn cho heo, gà, và cá. Tỉ lệ đóng góp doanh thu của ngành thức ăn chăn nuôi chiếm tới 85% (năm 2020) trong tổng doanh thu của MML.
Để đạt được mục tiêu tạo ra những sản phẩm ưu việt, vươn tầm ra thế giới, các đơn vị tham gia vào chuỗi giá trị cần phải có một sự gắn kết chặt chẽ và phối hợp nhịp nhàng, cùng nhìn về một mục tiêu chung. Tôi tin rằng với bề dày kiến thức và kinh nghiệm tích lũy lâu năm của cả Masan và De Heus, chúng tôi có thể đẩy nhanh tiến độ đạt tới mục tiêu đề ra.
Ông Gabor Fluit, Tổng Giám Đốc De Heus Châu Á
Sự kiện kí kết Bản ghi nhớ về quan hệ hợp tác đối tác giữa hai Tập đoàn này không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho chuỗi giá trị đạm động vật nói riêng, mà còn cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung.
Sự kết hợp giữa De Heus - chuyên gia, nhà cung cấp hàng đầu các sản phẩm dinh dưỡng cho động vật và Masan - Tập đoàn Tiêu dung - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam, được xem là một sự kết hợp đầy triển vọng, có thể đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa chuỗi giá trị đạm động vật.