'Mang túi cói đi chợ, nhìn... quê quê, nhưng nhiều người hỏi mua'

3 năm trước 248
Mang túi cói đi chợ, nhìn... quê quê, nhưng nhiều người hỏi mua - Ảnh 1.

Những chiếc túi cói của ngoại được Long đưa đi muôn nơi - Ảnh: P.L.

Trong dịch COVID-19, Phạm Xuân Long (21 tuổi) nhận thấy các sản phẩm túi cói của ông bà ngoại cũng như các cụ U70, U80 ở làng Tống Vũ (xã Vũ Chính, Thái Bình) bị tồn đọng khá nhiều bởi thương lái không thu mua, hoặc thu mua với giá quá thấp.

Ông bà ngoại của Long năm nay đã ngoài 80 tuổi, tấm lưng còng ngày ngày vẫn miệt mài, cặm cụi làm cói, đan lát với mong mỏi giữ cái nghề đã gắn bó suốt cả đời người.

Đau đáu trước tình trạng đó, suốt 4 tháng qua vừa học online, Long còn tranh thủ sắp xếp thời gian đưa sản phẩm túi cói của quê nhà giới thiệu đến cho rất nhiều người. Trên Facebook, sản phẩm túi cói "thuần tự nhiên" ở Thái Bình được các bạn trẻ theo đuổi lối sống xanh ủng hộ nhiệt tình.

Mang túi cói đi chợ, nhìn... quê quê, nhưng nhiều người hỏi mua - Ảnh 2.

Ông bà ngoại của Long đã ngoài 80 tuổi nhưng ngày ngày vẫn cặm cụi đan túi cói - Ảnh: P.L.

"Cách đây một năm, tôi xin ngoại 2 chiếc túi cói to để mang lên Hà Nội đi chợ. Lúc đầu cũng hơi ngại, nhìn… quê quê. Thế nhưng nhiều lần các bác các cô cứ hỏi mua túi cói này ở đâu, vì ai nhìn túi cói cũng nhớ lại ngày xưa. 

Đợt dịch vừa rồi, thấy sản phẩm của ông bà còn tồn đọng rất nhiều, tôi quyết định đăng bài trên trang cá nhân và nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người" - Long chia sẻ ý tưởng.

Mỗi chiếc túi cói này đều làm bằng phương pháp thủ công truyền thống với gần chục công đoạn: thu hoạch cói, phân loại, ngâm, chẻ và phơi cói, sau đó bắt đầu ép, đan cói, làm quai túi cói và bước cuối là vệ sinh, trang trí cho túi cói.

"Ban đầu mỗi chiếc túi cói bán ra rất rẻ, chỉ hơn 10.000 đồng/chiếc, nếu các cụ đan thành thạo cũng chỉ được 3 - 4 túi/ngày. Công sức của các cụ bỏ ra nhiều mà giá thành rẻ quá, vì vậy tôi thử đăng bán và may mắn các sản phẩm túi cói của ngoại đều bán hết. Tôi còn lấy thêm hàng của các cụ ở làng để bán thêm" - Long bộc bạch.

Mang túi cói đi chợ, nhìn... quê quê, nhưng nhiều người hỏi mua - Ảnh 3.

Chàng trai 'thế hệ Z' giờ không còn ngại khi xách túi cói đi chợ - Ảnh: P.L.

Đến nay sau 4 tháng, Long đã quen với các mối hàng ở Hà Nội. Các tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, TP.HCM cũng bắt đầu đặt hàng. Chàng trai "gen Z" trở thành cầu nối đưa sản phẩm quê hương của các cụ ông, cụ bà giới thiệu đến người tiêu dùng, đan đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

"Mọi người có thể dùng túi cói để đi chợ nhằm giảm thiểu túi nilông, có thể mang thêm hộp để đựng thịt cá, rau và cho vào túi cói. Mỗi túi cói có tuổi thọ từ 1 - 2 năm tùy theo cách sử dụng, bảo quản. Nếu túi cói bị hỏng, không sử dụng nữa có thể sử dụng để ủ thành phân bón hữu cơ, hiện nay nhà tôi cũng đang sử dụng theo phương pháp này" - Long chia sẻ.

Hiện nay, chàng trai "gen Z" đang tìm kiếm các mẫu hàng để nâng chất lượng túi cói, mẫu mã nhằm phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng trẻ sử dụng túi cói để đi chơi, đi du lịch.

"Mọi người bảo chăm chú vào học trước đã, vì tiền lãi không bõ công bõ sức mình bỏ ra, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm. Tôi rất vui vì mọi người đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn về vấn đề môi trường, với các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nay thì các cụ trong làng đều trêu mình là chàng trai buôn bị (túi) cói" - Long bày tỏ.

Sống xanh để cảm nhận hạnh phúcSống xanh để cảm nhận hạnh phúc

TTO - Trong không gian thuần xanh truyền cảm hứng tại TP.HCM, ba cô gái trẻ là những phụ nữ hiện đại, thành công cùng nhau chia sẻ suy nghĩ, lối sống xanh cũng như kinh doanh "xanh", bền vững.

Nguồn bài viết